Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 17/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Bến Tre xác định phát triển loại hình du lịch homestay kết hợp du lịch sinh thái "sông nước miệt vườn Xứ Dừa" làm điểm nhấn phát triển nhằm lôi kéo các loại hình Du lịch khác phát triển đồng bộ. Tp. Bến Tre sẽ là điểm nhấn để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh từ nay đến năm 2020.
Trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 20 điểm homestay với 160 phòng, tập trung ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Nhiều homestay được đầu tư tương đối đầy đủ tiện nghi như: Homestay Năm Hiền, Homestay Mai Thanh Vân, Jardin du Mekong Homestay, Đại Lộc, Duyên Quê, Du Thuyền Xoài, … đó là những ngôi nhà hiện có của người dân được xây dựng, chuyển đổi công năng, thoáng mát, tiện nghi gắn liền với cảnh làng quê miệt vườn rất đẹp, không khí trong lành, cách xa thành phố, sân vườn rộng lớn, nội thất sang trọng. Trong đó, du lịch homestay tại ba xã phía Nam thành phố Bến Tre (xã Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận) được kỳ vọng trở thành điểm nhấn cho loại hình du lịch homestay đầy tiềm năng tại tỉnh nhà.
Mô hình homestay Cái Cấm, bên dòng sông Thom, gắn liền với làng ngề khai thác Dừa và chợ nổi Dừa tại Bến Tre |
Năm 2015, theo cuộc khảo sát nhanh với các điểm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh Bến Tre đón khoảng 11.000 du khách đến và lưu trú tại nhà dân; thì tại 5 điểm du lịch homestay của ba xã nêu trên đã phục vụ khoảng 3.000 lượt khách chiếm 28% tổng số lượt khách lưu trú tại các điểm homestay của tỉnh. Với điều kiện thuận lợi về mặt tài nguyên thiên nhiên sông nước miệt vườn, giao thông tương đối tốt cả về đường thủy và đường bộ, người dân địa phương còn giữ được bản sắc văn hóa Nam Bộ và có kết nối tốt với các công ty lữ hành đảm bảo nguồn khách thường xuyên… tạo nên ưu thế phát triển bền vững hơn về loại hình du lịch homestay so với các huyện khác trong tỉnh. Xu hướng phát triển loại hình du lịch bền vững cùng giá cả dịch vụ hợp lý, du lịch homestay tại Bến Tre hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.
Hiện tại ở Bến Tre, một quê hương được mệnh danh là Xứ Dừa, đâu đâu cũng có dừa, là một trong năm tỉnh đại diện vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, là cuối nguồn của dòng sông MeKong đổ ra biển Đông, nên Bến Tre có nhiều sông, rạch chằn chịt, có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) thích nghi tốt với nhiều loại cây ăn trái, cho trái quanh năm với mùa nào trái ấy...
Mô hình homestay Hoa Dừa gắn liền khu vực Nam Thành Phố Bến tre với trải nghiệm vườn Dừa, vườn cây ăn trái |
Do đó phát triển du lịch cộng đồng là điều kiện thuận lợi và cũng là cơ hội để Du lịch Bến tre phát triển như:
Các homestay gắn liền cảnh quan tự nhiên với cảnh làng quê, vườn cây ăn trái, sông nước miệt vườn Xứ Dừa rất đẹp, dân dã; không khí trong lành; tách rời thành phố; sân vườn rộng lớn. Người dân địa phương và chủ homestay còn giữ được bản sắc văn hóa Nam Bộ: thật thà, chất phác, thân thiện và nhiệt tình. Kết hợp với các lễ hội truyền thống: Lễ hội Dừa, Lễ hội trái cây ngon - an toàn, Lễ cúng đình, cúng chùa,…, bên cạnh đó nông, ngư dân Bến Tre cần cù với rẫy dưa, rẫy sắn, ruộng lúa, hoa màu, các làng nghề truyền thống,... tạo cho du khách có sự trải nghiệm cùng người dân địa phương,... giúp du lịch homestay càng có điều kiện phát triển.
Giá cả hợp lý, giao động từ 200.000đ đến 500.000đ/phòng/đêm bao gồm ăn sáng, ăn tối. Du lịch homestay đã tạo công ăn việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người dân từ việc xuất khẩu tại chỗ các hàng hóa nông, hải sản địa phương. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương được nâng cao. Ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng cũng được cải thiện nhiều. Du khách từ vùng núi, cao nguyên, miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là Du khách Tây rất thích thú với loại hình du lịch homestay tại quê hương sông nước Xứ Dừa, vừa trải nghiệm, vừa sinh hoạt, cùng ăn, cùng ở cùng làm với người dân bản địa.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa xác định đưa loại hình du lịch homestay là trọng tâm, chưa xác định du lịch cộng đồng là bền vững, chỉ tập trung vào loại hình du lịch sinh thái kết hợp với di tích lịch sử, làng nghề, nên loại hình du lịch homestay vẫn còn bất cập ở thời gian qua và từ đó vẫn còn nhiều hạn chế nhất định như:
Phần lớn các homestay tại Bến Tre hiện có đều phát triển theo hướng tự phát của chủ hộ nên có một số vấn đề xảy ra như: việc phục vụ còn đơn giản, thiếu tính chuyên nghiệp, dịch vụ bổ sung cho khách chưa nhiều, đội ngũ lao động chưa được đào tạo qua trường lớp, yếu về trình độ ngoại ngữ... Cũng từ chỗ kinh doanh du lịch tự phát này nên việc khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn cũng như một số vấn đề xã hội bị ảnh hưởng rất lớn.
Mô hình homestay Ba Danh gắn liền với trải nghiệm sông nước và làng nghề truyền thống tại Bến Tre |
Một số homestay tại địa phương vì chạy theo xu hướng, phát triển quá nhanh nên khiến nó đang mất dần nét đặc sắc: nhiều nhà dân được xây dựng phục vụ du khách tức thời như quán trọ bình dân, thức ăn chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà vệ sinh không đạt chuẩn… dẫn đến phát triển không bền vững. Vốn đầu tư ban đầu lớn và hoàn toàn do người dân địa phương bỏ ra, không có sự tư vấn từ phía chuyên môn, nên hiện tại chưa có homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đúng nghĩa của nó để phù hợp cho du khách các nước. Chưa sử dụng sản vật của địa phương để tạo nét đặc trưng của quê hương.
Sự hấp dẫn về lợi ích kinh tế đối với người dân địa phương cũng ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa tại địa phương: người dân bắt chước phong cách, lối sống phương Tây, cuộc sống cư dân địa phương bị xáo trộn, làm phát sinh nhiều ảnh hưởng đến du khách, ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên … Vấn đề khó khăn nhất đối với các hộ gia đình là nguồn khách vì họ chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách. Do vậy, việc cung cấp nguồn khách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các công ty lữ hành, bị ép giá dẫn đến giảm chất lượng phục vụ.
Việc xúc tiến quảng bá, kết nối các hộ gia đình với các công ty lữ hành hiện nay chưa bền vững, chưa có hợp đồng lâu dài, phụ thuộc chủ yếu vào các mối quan hệ thỏa thuận từng chuyến. Các sản phẩm dịch vụ tại chỗ còn khá nghèo nàn, đơn điệu, trùng lấp. ...
Thành phố Bến Tre là trung tâm của tỉnh, có hệ thống giao thông thuận lợi, vị trí gần kề thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiếp nhận du khách nhiều nhất trong cả nước, gần các cụm khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Biên Hòa nên thu hút cả 2 nguồn khách du lịch nội địa và quốc tế, vì vậy tiềm năng phát triển du lịch của thành phố Bến Tre là rất lớn. Phát triển du lịch sinh thái sông nước, vườn bưởi da xanh, vườn dừa, rẩy hoa màu, lò kẹo dừa, lò gạch, làng nghề sơ chế trái dừa, làng nghề dệt chiếu của 03 xã phía nam thành phố Bến Tre. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú; kết hợp các yếu tố nhân văn, người dân bình dị, mến khách là tài nguyên du lịch đặc sắc của Tp Bến Tre cùng với đội ngũ lao động dồi dào tại địa phương đáp ứng cho yêu cầu phát triển du lịch.
Do vậy việc phát triển nâng chất những điểm du lịch hiện hữu là tất nhiên, đặc biệt là lập đề án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch homestay kiểu mới tại Bến Tre với những công việc cấp thiết như:
Hướng dẫn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng kết hợp Homestay cho từng hộ gia đình theo qui chuẩn từng hạng mục: Phòng ngủ riêng và tập thể, nhà hàng, khu vệ sinh. Thiết lập bộ qui chuẩn về du lịch cộng đồng kết hợp Homestay về ăn, ở, vệ sinh, tham quan. Xây dựng các chương trình tour tuyến du lịch và hình ảnh các sản phẩm. Tổ chức cho các hộ gia đình làm du lịch tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng kết hợp Homestay ở những nơi đã thành công tại miền Tây Bắc để áp dụng. Tổ chức quảng bá qua báo, đài và thực hiện chuyến Famtrip khảo sát cho báo chí, các đơn vị lữ hành của Bến Tre và thành phố HCM tìm hiểu sản phẩm; đồng thời hướng dẫn các điểm hợp tác xây dựng website riêng. ...
Mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch homestay kiểu mới thành công tại TP.Bến Tre sẽ là mô hình nhân rộng ra toàn tỉnh, với những qui chuẩn được đặt ra để áp dụng tại Bến Tre, sẽ là tiền đề cho du lịch Bến tre phát triển đồng bộ và bền vững, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét