Có rất nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc sâu xa của một loài cây có tên khoa học là cocos nucifera (ở Việt Nam thường gọi là cây dừa) nằm trong họ Cau (Arecaceae), nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos và là một loại cây lớn, thân đơn trục (nhiều khi gọi là nhóm thân cau dừa). Dựa vào các chứng cứ hóa thạch được tìm thấy ở New Zealand các nhà khoa học cho rằng các loài thực vật nhỏ tương tự như cây dừa đã mọc ở khu vực này từ khoảng 15 triệu năm trước. Thậm chí những hóa thạch có niên đại sớm hơn cũng đã được phát hiện tại Rajasthan và Maharashtra, Ấn Độ nhưng trái chiều về ý kiến đó còn có một số ý kiến khác cho rằng khu vực đông nam châu Á hay tại miền tây bắc Nam Mỹ là điểm xuất phát, là gốc rễ của cây dừa. Chính vì vậy, trên thế giới hiện nay dừa có từ bao giờ, quá trình "lưu thông" ra sao mà lại sinh sôi nảy nở ở nhiều nơi.
Trên thế giới, các nước có dừa như: Phi-gi, Kiribati, Marshal, Papua Tân Ghi-nê, quần đảo Samoa, Solomon, Indonesia Malaysia, Philippin, Thái Lan, SriLanka , Ấn Độ, … và trong đó có cả Việt Nam chúng ta, đến nay luôn là dấu chấm hỏi đặt ra về nguồn gốc thực sự của cây dừa.
Nếu nhìn chung tổng diện tích từ những nơi trồng dừa đáng kể nhất nêu trên thì chúng ta có thể thấy được một sự trùng hợp là đa phần đều là những đất nước nằm ven biển, duyên hải, chỉ riêng Thái Lan và Việt Nam dừa được trồng ở đồng bằng. Nếu tính quá trình du nhập từ đường biển cũng là một nhận định có cơ sở kết hợp với điều kiện tự nhiên sống của cây dừa rất thích hợp vùng nhiệt đới gió mùa, bên cạnh đó còn có yếu tố tác động của con người trợ giúp trên những chuyến đi biển phần nào cũng tạo nên sự giao thoa, phát tán rộng khắp nhờ các dòng hải lưu lướt nhẹ đưa những trái dừa vào bờ bén rẽ và phát triển cứ như thế lang rộng vào đất liền, trở thành rừng dừa rộng khắp. Theo thống kê của Hiệp Hội Dừa tỉnh Bến Tre trong bài viết tình hình cây dừa thế giới và Việt Nam, diện tích dừa thế giới có hơn 11 triệu ha, được trồng ở 93 quốc gia. trong đó: có 90% diện tích dừa được trồng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 61% nằm ở Đông Nam Á (trong đó: Indonesia, Philippines, Ấn độ chiếm ¾ tổng diện tích dừa thế giới). Gần 20% ở Nam Á, phần còn lại ở Châu Đại Dương, Châu Mỹ La tinh và Caribbean. Nếu xét về sản lượng thì ở khu vực Nam Á chiếm 19,7% diện tích và 20% sản lượng, ở khu vực Asean chiếm 60,8% diện tích nhưng chiếm 66% sản lượng. Trong đó: Indonesia, Philippines và Ấn độ chiếm 75% diện tích và 76,8% sản lượng dừa thế giới.
Ở Việt Nam, cây dừa được xếp hàng trong cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, đứng hàng thứ tư sau cao su, cà phê và điều. Diện tích có trên 150.000 ha, phân bố chủ yếu ở Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 78% diện tích dừa cả nước, với trên 110.000 ha và Bến Tre là tỉnh được cho là xứ dừa chiếm hơn chiếm 35% diện tích dừa cả nước và chiếm hơn 43,6% diện tích dừa Đồng bằng sông Cửu Long. Phân bố chủ yếu ở vùng nước lợ và một số ít ở vùng nước ngọt. Đến nay, giống như nhận định ban đầu về sự hình thành và phát triển cây dừa thì ở Việt Nam cũng đã được nghiên cứu rất nhiều từ các tích xưa đến tên của những địa danh gắn liền với chữ dừa nhưng vẫn chỉ là đề tài cần có thời gian nghiên cứu.
Hơn bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã có một thời cây dừa được xem như là biểu tượng tâm linh (linh vật) của bộ tộc Dừa. Theo bài viết nguồn gốc cây dừa Việt Nam được đăng trên website Hiệp hội dừa tỉnh Bến Tre thì theo tương truyền, xa xưa có một bộ tộc tên là Chăm Dừa hay còn gọi là Dừa đã tồn tại cách đây hơn 2.000 năm - trước công nguyên (thuộc vương quốc Champa cổ, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay). Theo truyền thuyết của bộ tộc này thì có một cậu bé khôi ngô tuấn tú được sinh ra từ một mo dừa trong vườn thượng uyển. Nhà vua thấy vậy đã đem làm con nuôi. Khi lớn lên, với tài năng và đức độ, chàng trai được vua cho cưới công chúa và sau đó thì được tôn lên làm vua. Từ đó cây dừa được dùng làm biểu tượng cho thị tộc của mình và bộ tộc Dừa có tên gọi từ ngày ấy (tên vị vua này, cho đến nay các nhà nghiên cứu Chăm học vẫn chưa tìm ra được). Vào giữa thế kỷ thứ II, Bộ tộc Dừa phát triển hùng mạnh lập nên nhà nước Lâm Ấp, vua Lâm Ấp qua các triều đại đã nhiều lần đưa quân ra cướp phá nước ta. Qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, vương quốc Champa ngày nay không còn nữa, người Chăm Dừa ngày nay cũng chỉ còn lại tục dùng dừa làm lễ vật trong những ngày lễ Tết, đặc biệt không thể thiếu chính là chiếc bánh ít lá gai dâng lên trời đất tổ tiên để tỏ lòng thành kính và cũng ít được nhắc lại qua chuyện kể lưu truyền về nguồn gốc của mình.
Tại kinh thành Thăng Long, địa danh mang tên Dừa cũng đã tồn tại hơn ngàn năm nay và cho đến nay, một trong hai địa danh tồn tại đầy đủ với tên gọi hành chính của hoàng thành Thăng Long còn xót lại của thủ đô Hà Nội từ tên Nôm (tên có từ trước khi xây dựng hoàng thành Thăng Long), đó là phường Cầu Dền và phường Ô Chợ Dừa, địa danh này đến giờ vẫn tồn tại và đã được đưa vào bản đồ hành chính của thủ đô Hà Nội. Rất tiếc, Ô Chợ Dừa ngày nay không còn bóng dáng của cây dừa nào, để chúng ta có thể hình dung được vì sao lại có cái tên gắn với cây dừa và cội nguồn lịch sử địa danh này. Trong bài tham luận trong hội thảo Ngàn Năm Thăng Long được Viện Văn hóa Nghệ thuât Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học KH Xã hội Nhân văn tổ chức tại Tp. HCM ngày 23 tháng 9 năm 2010 cũng đưa ra chứng cứ như sau: cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 20 km về phía Tây, có một ngôi làng cổ, quê hương của vị võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man với tên gọi “làng Yên Sở” nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nổi tiếng với đặc sản bánh gai và những cái giếng Chăm không bao giờ cạn nước. Nơi đây cũng đã một thời dân gian gọi là làng Dừa với những hàng dừa bên dòng kinh xanh ngát, bạt ngàn. Do dân số ngày càng tăng, tiến độ đô thị hóa ngày càng gần và dịch bệnh bọ cánh cứng từ năm 2005 đã làm cho cây dừa Yên Sở ngày nay không còn nhiều. Chính quyền địa phương cũng đã có chủ trương trồng lại dừa, cũng là cách ghi nhớ công ơn của vị tướng tài Phạm Tu - Lý Phục Man đã có công đưa cây dừa về trồng trên quê hương mình, để có một thời kinh tế từ dừa của Yên Sở rất bền vững. Từ đây, ta có thể có giả thuyết: Dừa được võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đưa về Vạn Xuân sau khi đánh tan và bắt khoảng 5000 tù binh Lâm Ấp (thuộc bộ tộc Dừa) từ giữa thế kỷ thứ VI, kỷ nhà Tiền Lý, thời vua Lý Nam Đế.
Bình Định một trong các trung tâm văn hóa Sa Huỳnh của nước ta cũng có một địa danh gắn liền với cây dừa nên gọi là làng Cây Dừa (thuộc huyện Vĩnh Thạnh), vùng đất nằm ở vùng thung lũng thượng lưu sông Côn. Trong bài viết Làng cây dừa - Nơi phát triển nhiều trống đồng loại Heger I đăng trên trang website Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định thì làng Cây dừa xuất hiện sớm nhất cũng có thể từ thế kỷ XV, sau khi sát nhập vào Đại Việt (1471). Đến Thế kỷ XVIII, vùng đất này đã xuất hiện một tổng thể những địa danh có liên quan đến cây dừa: làng Cây Dừa, bến Cây Dừa, chợ Cây Dừa, núi Cây Dừa. Khu chợ Cây Dừa ngày nay là trường THCS Vĩnh Thịnh và trụ sở của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh; Bến Cây Dừa ngày nay còn lại di tích cây đa cổ thụ.
Xuôi về phương Nam màu mỡ, Bến Tre được mệnh danh xứ dừa và hiện nay đang đứng đầu Việt Nam về diện tích trồng dừa. Tính thời gian từ lúc tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người được xem như có công xác lập chủ quyền cho Viêt Nam tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định (1698) thì đến nay đã được hơn 300 năm. Như vậy khi đến đây mở mang bờ cõi thì cây dừa đã có hay chưa, hay là do quá trình di dân từ phương bắc đã được người dân mang theo trồng sẽ cho chúng ta nhiều cách nghĩ. Tuy nhiên ở Bến Tre nhờ điều kiện khí hậu thích hợp cùng với tác động của con người đã tạo nên hơi thở cho vùng đất mới này có thêm sức sống, hình thành nên chuỗi giá trị cây dừa, mang lại mối lương duyên sâu sắc giữa đất và người.
Vườn dừa Bến Tre |
Như đã nói ở trên cây dừa là loại cây có sức sống vô cùng mãnh liệt, thích nghi với mọi điều kiện để tồn tại, phát triển và đặc biệt là đem lại tiềm năng kinh tế vô cùng lớn. Song song đó dừa còn mang cả một giá trị tiềm ẩn, một khối tài sản vô giá nhưng mang tính vô hình không nhìn thấy cụ thể nhưng lại chứa đựng nhiều loại vật chất theo bề dày thời gian. Dừa hầu như có mặt trên tất cả các lĩnh vực từ đời sống văn hóa, tâm linh, ẩm thực đến khơi nguồn sáng tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, tạo vật chất nuôi sống con người góp phần tạo nên bản sắc riêng của đất và người Bến Tre. Hiện nay, Bến Tre có rất nhiều làng nghề như làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa; làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng nghề kẹo dừa; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; … rất có tiếng không những trong nước mà còn ngoài nước đều biết đến. Đối với du lịch đây là cơ hội mở ra hàng loạt các dịch vụ theo hướng vườn sinh thái gắn với văn hóa với đa chủng loại cây trồng, cho hiệu quả cao, có sức hấp dẫn du khách khi đến đây tham quan.
Cây dừa sai trái |
Trong bài thơ "Dừa ơi" của tác giả Lê Anh Xuân được mở đầu với bốn câu thơ sau:
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Đây vừa là lời kết đồng thời mở ra quá trình nghiên cứu lâu dài về nguồn gốc sâu xa của cây dừa, tuy nhiên dù là bao lâu đi chăng nữa thì cây dừa cũng đã khẳng định vị trí vô giá của mình "là cây của sự sống" mà con người chúng ta chính là những người thụ hưởng trực tiếp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét