Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Lễ hội Dừa lần IV - năm 2015

Tỉnh Bến Tre được gọi là xứ dừa bởi có khoảng 63.000ha dừa, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước; ngành dừa luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tỉnh có tổ chức lễ hội dừa nhằm tôn vinh giá trị cây dừa và động viên thúc đẩy cho cây dừa phát triển; tỉnh đã nâng tầm lễ hội cấp tỉnh lên Festival Dừa cấp quốc gia lần III vào năm 2012 và Lễ hội Dừa lần IV năm 2015 sẽ tổ chức với qui mô lớn vào tháng 4 năm 2015.

Thật vậy! dừa Bến Tre đã là rừng dừa và được mệnh danh là quê hương xứ dừa của ba dải cù lao đầy màu mỡ do sự bồi đắp của bốn dòng sông (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên) thuộc sông Mekong (sông Cửu Long); thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nầy thích nghi với cây dừa phát triển xuyên suốt trong ba vùng sinh thái tại Bến tre là mặn, lợ và ngọt. Cây dừa đã đồng hành cùng người dân Bến Tre từ bao đời nay, nó đã gắn bó với người dân và chiến sĩ Bến Tre qua các cuộc kháng chiến và cả trong thời kỳ xây dựng quê hương giàu đẹp.
Khai mạc Festival Dừa lần III năm 2012
Năm 2014 dừa Bến Tre đã thu hoạch đạt trên 500 triệu trái; giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiến hơn 15% tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh; sản phẩm dừa đã xuất khẩu trên 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhằm phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành dừa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa đến mọi vùng, mọi miền trên đất nước và trên cả thế giới; Bến tre đã tổ chức thành công trong những kỳ lễ hội trước và nhất là festival dừa lần III , đã nhận được chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương, sự ủng hộ các tỉnh, doanh nghiệp, nhân dân địa phương trồng dừa trên phạm vi cả nước và doanh nghiệp nước ngoài trong cộng đồng dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC).
Bế mạc Festival Dừa lần III năm 2012
Phát huy những thành quả của các kỳ lễ hội, đồng thời xác định vị thế ngành dừa và các sản phẩm từ dừa Bến Tre nói riêng, của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, phát triển ngành dừa trong giai đoạn hội nhập và giới thiệu quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước; được Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ hội dừa lần IV năm 2015.

Dự kiến từ ngày 07- 13 tháng 4 năm 2015, lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 7/4/2015 tại sân vận động Bến Tre cùng chuỗi hoạt động trong chương trình Lễ hội trên địa bàn tỉnh như:

- Triển lãm hội chợ;
  • Triển lãm các thiết bị công nghệ Techmart - 2015, giới thiệu các thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến phục vụ cho ngành dừa; 
  • Triển lãm các sản phẩm dừa và hội chợ thương mại, trình bày giới thiệu, mua bán các sản phẩm chất lượng được sản xuất trong nước;

- Hội thảo: cây dừa với sức khỏe con người, trao đổi thông tin những nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp sản xuất chế biến, nhà vườn,… trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài;

- Không gian dừa (Con đường dừa) với những chất liệu bằng dừa, bố trí các cụm tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, có tính nghệ thuật cao, mang đậm chất dân gian xứ dừa. Tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật về dừa.;
Một góc của không gian dừa trong Festival Dừa lần III năm 2012
- Liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực và các món ăn, thức uống truyền thống đặc sản Nam Bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa,… do các công ty, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia;

- Tuần lễ văn hóa, nghệ thuật - du lịch:

  • Phát động sáng tác văn thơ Bến Tre mở rộng;
  • Hội thi thời trang dừa;
  • Hội thi “Người đẹp xứ dừa” mở rộng các tỉnh có dừa;
  • Các hoạt động giao lưu văn hóa;
  • Đêm nhạc “Giai điệu xứ dừa”;
  • Đua xuồng trên sông Bến tre;
  • Du lịch “Lung linh sông nước” và tổ chức các tour du lịch trên địa bàn tỉnh

- Vui hội làng dừa (Ngày hội dân cư xứ dừa) trên các địa phương toàn tỉnh.

Lễ hội sẽ tôn vinh cây dừa là “Cây của sự sống” và góp phần trong bối cảnh biến đổi khí hậu vùng đồng bằng ven biển mà xã hội đang quan tâm; khuyến khích nông dân trồng dừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre, văn hóa Bến Tre; nâng cao giá trị và tầm quan trọng của ngành dừa, hướng đến phát triển bền vững và từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia. Đặt biệt là sự phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của quê hương xứ dừa trên mảnh đất ba dải cù lao đầy thơ mộng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét