Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Kết thúc và chuyển giao dự án

“Hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”

Dự án nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển Thạnh Phong thông qua mô hình sinh kế bền vững khu vực Đồng Quản Lý xã Thạnh Phong. Đây là dự án làm tiền đề cho Xã Thạnh Phong phát triển du lịch, được xây dựng từ kinh phí MFF tài trợ. Trung tâm Chuyển giao Công nghệ - Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông Ngư nghiệp - Việt Nam đã thực hiện sau gần 2 năm tại xã Thạnh Phong và đã kết chuyển vào ngày 28/5/2015.

Hợp tác xã du lịch cộng đồng xã Thạnh Phong tiếp nhận những công việc sau dự án; dự án đã giúp người dân nơi đây có được nhận thức về tính bền vững đối với hệ sinh thái vùng ven biển của cộng đồng và bên liên quan được nâng cao; giúp các hộ nghèo và phụ nữ có điều kiện tăng thu nhập và phúc lợi từ mô hình sinh kế bền vững - du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; giúp các hệ sinh thái ven biển và nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa được khai thác vừa được bảo tồn nhằm hạn chế tối đa việc khai thác rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép, giữ gìn mội trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình ảnh du khách tham gia chài cá và đặt bẩy cua
Mô hình xây dựng đã đem đến Thạnh Phong một cơ hội phát triển du lịch tại di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Thạnh Phú - Bến Tre”, và cũng là điều kiện phát triển du lịch sinh thái trong quần thể qui hoạch du lịch mà được UBND tỉnh quyết định thành lập Khu Du lịch địa phương: Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre.

Bước đầu dự án hoàn thành đã đem lại nhiều kết qủa thiết thực; ngoài việc nâng cao ý thức du lịch cộng đồng, đồng quản lý, đồng trách nhiệm và đồng hưởng lợi trong việc phát triển bền vững du lịch sinh thái vùng ven biển. Dự án đã sử dụng nhà tránh bảo để tu sửa thành nhà cộng đồng, tạo thành 3 phòng chức năng phục vụ cho các nhu cầu phát triển du lịch sinh thái như: phòng giáo dục môi trường, phòng trưng bày sản phẩm cộng đồng và phòng điều hành du lịch.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tổ sản xuất sản phẩm địa phương
Ngoài hai kết quả trên thì các tổ nghề nghiệp cũng được hình thành như tổ điều hành du lịch, tổ sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch (hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy sản), tổ dịch vụ ăn nghỉ cho khách và tổ vận chuyển khách du lịch. Ban Điều hành cũng được thành lập và tổ chức tour thử nghiệm, in ấn phẩm quảng bá du lịch của Hợp tác xã Du lịch Thạnh Phong,..; đặc biệt là sự nhận thức của cộng đồng trách nhiệm trong việc khai thác mà bảo vệ; giúp du khách đến nhớ rừng, ở nhớ biển và đi nhớ người.

Ông Trần Duy Phương, PGĐ Thường trực Sở VHTTDL Bến Tre đánh giá cao kết quả đã đạt được từ dự án Hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, để tiếp nhận và phát triển bền vững mô hình nầy nhằm lan tỏa ra nhiều địa bàn nhất là toàn khu du lịch sinh thái biển Thạnh Phong - Thạnh Hải thì Ban Chủ nhiệm hợp tác xã phải tâm đắc với việc phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương hai xã, để có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn và dịch vụ phục vụ phong phú, nhằm thu hút du khách và giữ chân khách du lịch. Phối hợp Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Phú để cùng đồng hành với các Doanh nghiệp Lữ hành Du lịch trong tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng dịch vụ phục vụ du khách một cách tốt nhất, có chuyên nghiệp; nâng cao trình độ nhận thức từ ý thức cộng đồng (đồng trách nhiệm) kết hợp kiến thức du lịch để phục vụ tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Tưởng - Bí thư xã Thạnh Phong cũng hy vọng nhóm lửa đầu tiên của mô hình du lịch nầy sẽ cháy mãi và sống mãi theo thời gian, không thể nhóm lửa ấy tắt đi hay vùi vào kỷ niệm và đi theo cùng dự án. Để du lịch cộng đồng tại xã Thạnh Phong được phát triển và bền vững, việc hạ tầng giao thông du lịch tương đối tốt để phục vụ du khách, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà các cấp, các ngành tỉnh và huyện quan tâm hơn nữa, nhanh chóng tạo điều kiện có nơi xử lý rác để giữ vững vệ sinh môi trường khu du lịch; đồng thời đem nguồn nước sạch phục vụ du lịch trong thời gian sắp tới. Hợp tác xã du lịch kêu gọi xã hội hóa đầu tư phương tiện vận chuyển như: xe đạp, tàu du lịch, tàu ra khơi để trải nghiệm; kết hợp đầu tư điểm dừng chân, … để phục vụ những tour du lịch đã được xây dựng.

Du khách thời gian qua đến với Cồn Bững (Biển Thạnh Hải) để tham quan quang cảnh nguyên sơ của biển, thưởng thức thủy hải sản tươi sống của ngư dân, những luống rẩy dưa, sắn của nông dân, tham quan lăng ông Nam Hải và miếu Bà Chúa Sứ; thì hôm nay, khi đến với Thạnh Hải không thể quên Thạnh Phong; một quần thể của khu du lịch biển Thạnh Phú. Chúng ta sẽ được trãi nghiệm trong rừng dương (Phi lao) mát rười rượi, tổ chức cấm trại và thưởng thức một khí hậu mát mẻ của gió biển thổi vào; du khách cũng có thể đùa vui trên bãi cát hay lên tàu ra khơi để trãi nghiệm sóng biển, hoặc tham gia cùng Hợp tác xã Nghêu để bắt nghêu và tự tay nướng nghêu thưởng thức sau chuyến hành trình thử nghiệm tại “rừng, biển”.

Quí vị sẽ nghỉ lại nhà dân (homstay) để cùng nông dân ra làm rẫy, nhổ từng luống sắn hay hái những trái dưa hấu khi tới mùa vụ; cùng bơi xuồng với những ngư dân vui tính để bắt sò huyết, đặt bẩy bắt cua, giăng lưới, chài lưới bắt cá rồi cùng nhau chế biến để có một đêm thưởng thức những sản phẩm mà tự tay mình bắt, du khách sẽ ấm cúng khi nhăm nhi với những ly rượu dâu tầm, rượu mít mà người dân nơi đây sản xuất,…

Để đến với tour trải nghiệm nầy, nếu từ TP.Hồ Chí Minh chỉ mất 1,5 giờ đi đường cao tốc là đến Bến Tre (83km đường bộ), từ Bến Tre xuống đến biển mất 1,5 giờ ngồi ôtô nữa là đến Thạnh Hải-Thạnh Phong (70km đường bộ). Liên hệ Mr Thành (chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch cộng đồng Thạnh Phong - ĐT: 0165.979.7575), hoặc truy cập Website dulichcongdongthanhphong.com để biết thêm chi tiết./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét