Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Hợp tác Phát triển Du lịch giữa Hà Nội và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016 - 2020

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác liên kết - hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau cùng thống nhất ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 vào ngày 28/10/2016 tại thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang do Sở Du lịch TP. Hà Nội chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị Chương trình hợp tác phát triển du lịch 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long)
Đến dự buổi ký kết hợp tác có ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Mai Văn Huỳnh - UV BTV TU, PCT UBND tỉnh Kiên Giang và Giám đốc, Phó Giám đốc sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các phòng Quản lý Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch 14 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch các địa phương tham gia buổi ký kết hợp tác trên. Đặc biệt là có sự ký kết giữa Hiệp hội Du lịch Tp. Hà Nội và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Du lịch Thủ đô Hà Nội là ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển du lịch Việt Nam; lượng khách du lịch chiếm 1/3 của cả nước, tăng bình quân 10%/năm; trong năm 2015 có 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 lượt khách nội địa; thu nhập từ khách du lịch đạt gần 55.000 tỉ đồng. Đây là trung tâm du lịch của Việt Nam và cũng là nơi tiếp nhận khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất để chi phối ra các vùng, miền, các địa phương trên cả nước.

Việc hợp tác phát triển du lịch là điều cần thiết và đây cũng là sự quan tâm của ngành Du lịch Thủ đô đến các tỉnh, thành ĐBSCL với mục đích phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng cường tổ chức hoạt động phát triển du lịch của các địa phương; phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch để phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước về du lịch giữa Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố.

Đây là chương trình hợp tác được cụ thể hóa bằng kế hoạch chỉ đạo thực hiện hàng năm, có sự phân công theo dõi, kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành phố phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Sở; đảm bảo tính hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, các quy định hiện hành của Nhà nước và của các tỉnh, thành phố.

Hợp tác cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, tài nguyên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Định kỳ hàng quý trao đổi thông tin về: kết quả hoạt động kinh doanh du lịch; các sản phẩm du lịch mới; thị trường khách; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong hoạt động du lịch, đặc biệt về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, vận chuyển và các thông tin liên quan. 
Lãnh đạo 14 Sở Du lịch, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và ĐBSCL ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch
Phối hợp tuyên tuyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước với các nội dung cụ thể, gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường. Chủ động đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch các địa phương. Liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, Thủ đô, thành phố các nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến các địa phương và ngược lại với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến”. 

Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch của các địa phương. Tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá xúc tiến, hội chợ tại các thị trường du lịch trong nước và quốc tế lớn do các địa phương tổ chức. Hàng năm, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 14 tỉnh, thành phố luân phiên phối hợp tổ chức từ 1 đến 2 chương trình, sự kiện du lịch chung. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các địa phương.

Chương trình liên kết hợp tác cũng đã đặt ra một số vấn đề quan trọng như: Bảo trợ cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở, Hiệp hội Du lịch các địa phương liên kết hợp tác phát triển du lịch theo khả năng và nhu cầu thực tế. Hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thực hiện các thủ tục hành chính; thủ tục cấp visa; liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, dịch vụ chuyên nghiệp; Thủ đô Hà Nội có vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và các tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước đảm bảo chất lượng cao, có sức cạnh tranh để phân phối khách du lịch đến với các địa phương.
Các doanh nghiệp của các đại phương ký kết hợp tác trong hoạt động phát triển du lịch với sự chứng kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành
Các địa phương bố trí các điểm cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ khách du lịch. Hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh khi đi du lịch tại các địa phương, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh. Cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch và một số khu, điểm du lịch của 14 tỉnh, thành phố; bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.

Thành lập bộ phận thường trực hợp tác phát triển du lịch tại các tỉnh, thành phố gồm thành viên là lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng quản lý nhà nước về du lịch cấp Sở, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở làm đầu mối liên hệ và định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, lãnh đạo đơn vị đầu mối của 14 cơ quan có trách nhiệm tổ chức các cuộc trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc, triển khai các hoạt động, tổng hợp tình hình phối hợp và báo cáo Giám đốc các Sở kết quả thực hiện Chương trình hợp tác. Định kỳ mỗi năm 01 lần vào quý III, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố luân phiên địa điểm tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch và xây dựng kế hoạch phối hợp cho năm sau. 
Tổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu đánh giá Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch hoan nghênh sự hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Ông đã đánh giá năm 2016 có nhiều dấu ấn về Du lịch Việt Nam - Năm Du lịch Quốc gia năm 2016 (Phú Quốc - ĐBSCL) và dự kiến đến hết năm 2016, tổng thu từ khách du lịch đạt 18 tỉ USD. Du lịch Hà Nội cho thấy bước đi trong phát triển du lịch, đã mang lại hiệu ứng tốt cho Du lịch Việt Nam; Ông cũng đánh giá ĐBSCL có lượng khách du lịch là 15 triệu lượt/năm là một thị trường tương đối lớn, tất cả đã góp phần cho Du lịch Việt Nam phát triển. Ông mong muốn rằng sau sự ký kết hợp tác phát triển lần nẩy, nếu năm 2015 có 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì đến năm 2020 sẽ là 15 đến 16 triệu lượt để kinh tế Du lịch Việt Nam trở thành mũi nhọn trong kinh tế xã hội của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét