Bến Tre - vùng đồng bằng phù sa sông Cửu Long - là xứ sở bạc ngàn của những cây dừa với nhiều làng nghề truyền thống như chế biến thực phẩm, đồ dùng gia dụng và vật phẩm lưu niệm từ cây dừa trở thành nét đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, quê hương xứ dừa còn được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng và cây giống Cái Mơn - Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách; nó không những góp phần vào việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tô điểm bức tranh du lịch sông nước miệt vườn xứ dừa này.
Dừa là loại cây đặc trưng gắn liền cùng cuộc sống người dân nơi đây, những rừng dừa bao phủ ba dải cù lao với hơn 60.000ha (1/3 diện tích dừa của cả nước). Bến Tre sở hữu 45 làng nghề được công nhận, trong đó có 27 làng nghề nông nghiệp (ươn ghép cây giống và hoa kiểng…) và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp của 30.500 cơ sở và hộ dân; các làng nghề này đa số đều nằm bên những dòng sông hiền hòa, thơ mộng. Nhiều làng nghề đã và đang được củng cố, thu hút khách hàng và khách du lịch như: Làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre; làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre), An Hiệp (huyện Châu Thành); làng nghề hoa kiểng, cây giống Vĩnh Thành (Cái Mơn) và các xã của huyện Chợ Lách; làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An, làng nghề đan đát Phước Tuy và tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ (Ba Tri); làng nghề cá khô ở An Thủy (Ba Tri), Bình Thắng (Bình Đại) và làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc suốt dọc tỉnh lộ 775 từ huyện Giồng Trôm đến Ba Tri …
Làng nghề dừa bên dòng sông Thơm - Mỏ Cày Nam |
Sự phát triển của các làng nghề truyền thống đã giúp cho nông dân thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất công nghiệp) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Với sự đa dạng về ngành nghề, các sản phẩm đã được bán trên khắp cả nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng, du khách rất ưa chuộng…
Một điều hết sức thuận lợi là mỗi làng nghề làm ra một loại sản phẩm đặc trưng theo mô hình mỗi làng một sản phẩm và đa số đều nằm trên các trục đường giao thông thủy, bộ theo các tuyến du lịch nên du khách rất dễ tham quan và trải nghiệm. Thời gian qua, ngành Du lịch đã nghiên cứu, tận dụng mọi cơ hội, thiết kế các tour, tuyến một cách hợp lý để phát triển du lịch, thu hút du khách bằng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương mình.
Thông qua việc du khách trãi nghiệm, tìm hiểu sản vật xứ dừa đã quảng bá sản phẩm các làng nghề thủ công truyền thống rất hiệu quả. Do đó, việc phát triển làng nghề gắn kết du lịch sông nước xứ dừa này là xu hướng tất yếu của Bến Tre trong kế hoạch phát triển du lịch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, du lịch Bến Tre thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, họ thích tham gia loại hình du lịch sinh thái, chạy xe đạp vòng quanh các tuyến đường ở nông thôn để tìm hiểu chợ nông thôn, du ngoạn trên sông, rạch bằng ghe máy hay xuồng chèo, tận mắt chứng kiến người dân xứ dừa lao động, sinh hoạt hàng ngày của mình. Các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để họ khảo sát và xây dựng các chương trình du lịch, cung cấp cho việc đưa du khách trải nghiệm những nét độc đáo của làng nghề ở Bến Tre.
Trong quá trình gắn kết du lịch sông nước miệt vườn xứ dừa với phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Bến Tre đã hình thành 6 tuyến điểm tham quan trên 3 dãi cù lao của tỉnh:
- Tham quan du lịch sinh thái sông nước 8 xã ven sông Tiền: Du thuyền trên sông, chèo xuồng trong rạch dừa nước, đi xe ngựa đường làng, thưởng thức trái cây và trãi nghiệm làng nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và làm kẹo dừa đặc sản Bến Tre.
- Tham quan du lịch sinh thái sông nước 3 xã phía nam thành phố Bến Tre qua nhiều vườn bưởi da xanh, vườn dừa dứa kết hợp tham quan làng nghề chế biến chỉ xơ dừa, làm gạch, dệt chiếu, làm đũa dừa…
Một số cơ sở làm gạch ven sông Bến Tre |
- Tham quan du lịch về nguồn: Viếng mộ và đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản với các làng nghề đan đát Phước Tuy, tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ ở Ba Tri cũng như dâng hương nữ tướng Nguyễn Thị Định kết hợp trãi nghiệm các làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc và làng nghề làm giỏ cọng dừa vùng quê sông nước Cồn Ốc - Hưng Phong.
- Tham quan du lịch sinh thái sông nước, vườn cây trái Cái Mơn - Chợ Lách kết hợp tham quan các làng nghề ươm ghép cây giống - hoa kiểng, làm giỏ và chậu hoa…
- Tham quan du lịch sinh thái sông Thơm, Mỏ Cày Nam. Trãi nghiệm làng nghề và chợ dừa trên sông cùng hàng chục cơ sở chế biến chỉ xơ dừa, than gáo dừa, đất sạch từ mụn dừa, dầu dừa và cơm dừa nạo sấy và kẹo dừa Mỏ cày…
- Tham quan du lịch sinh thái rừng ngập mặn, bơi xuồng và chài bắt tôm, cua, cá trong vuông nuôi tự nhiên; di tích lịch sử cách mạng đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam trên biển Thạnh Phong và Thạnh Hải kết hợp làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa Mỹ An và bánh dừa Giồng Luông thuộc huyện Thạnh Phú.
Mỗi một làng nghề là một nét văn hóa địa phương, bản sắc văn hóa của vùng miền. Một điều chắc chắn là ngành du lịch càng phát triển thì càng tạo thêm cơ hội đầu tư cho các làng nghề, tạo việc làm cho người dân; tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm thủ công truyền thống; tạo cơ hội giao lưu văn hóa bản địa và văn hóa của khách du lịch nước ngoài; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ; kích thích phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hoạt động du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của làng nghề./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét