Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Cần gắn kết nhà Bảo tàng tỉnh trong phát triển du lịch

Có thể nói Bảo tàng là một nhịp cầu văn hoá kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Theo xu hướng đó Bảo tàng gắn kết với du lịch đây được xem như là một phương thức quan trọng để thực hiện xã hội hoá và phát huy tác dụng của Bảo tàng một cách hiệu quả nhất. Chính từ điều đó cho chúng ta có một nhận định rằng trong bối cảnh hội nhập chủ động cùng xu thế toàn cầu hoá hiện nay, Bảo tàng cần gắn bó mật thiết với du lịch; đây được xem là một thiết chế văn hoá giáo dục đặc biệt, không những là nơi lưu giữ, tuyên truyền quảng bá các giá trị, di sản, văn hoá mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngoài những chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống còn được xem như là một trong những trung tâm thông tin, giải trí vì nơi này chứa đựng đầy đủ các giá trị truyền thống về các bản sắc văn hoá - lịch sử bản địa.
Du khách tham quan trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh
Xét về bản chất một số giá trị văn hoá - lịch sử chính là một trong những nhân tố cơ bản để tạo ra các sản phẩm du lịch. Đây là nơi có tiềm năng để đáp ứng tốt các yêu cầu của khách du lịch về các giá trị nhân văn …. Chính vì vậy nơi đây có một vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển du lịch, trong thực tế Bảo tàng là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với khách quốc tế, nhất là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á …. Trong các chương trình tour du lịch đi nước ngoài, Bảo tàng là một trong những điểm đến không thể thiếu (ví dụ như: Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp, Bảo tàng Acropolis, Athens, Hy Lạp, Bảo tàng State Hermitage, St. Petersburg, Nga) thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đem lại nguồn thu lớn....

Đặc biệt Bảo tàng tỉnh Bến Tre hiện nay là di tích cấp quốc gia được công nhận vào ngày 29/6/2015 theo Quyết định số 2243/QĐ- BVHTTDL Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với tên gọi: “Di tích nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo” là nhà tình báo chiến lược cách mạng, làm công tác nội tuyến với chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước năm 1975 nơi này là Dinh tỉnh trưởng và cũng là nơi làm việc của Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Lễ công nhận Bảo tàng tỉnh Bến Tre là di tích cấp quốc gia "Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo”
Trong phát triển du lịch theo các chuyên gia nghiên cứu có rất nhiều lý do làm ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa Bảo tàng và du lịch. Dù ở lý do nào đi chăng nữa, tình hình đặt ra yêu cầu cụ thể là Bảo tàng cần phải được đầu tư, khai thác nâng cao hơn nữa về chất lượng để trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch mang lại hiệu quả kinh tế. Đứng về góc độ du lịch đây là một tài nguyên du lịch mang tính nhân văn và là loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, khoa học và giáo dục …. Thực tế Bảo tàng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quí giá, trong các chuyến hành trình, Bảo tàng luôn là điểm đến của du khách bởi qua đó, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán … vùng đất mình đi qua.

Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng mỗi Bảo tàng dù có lớn đến đâu với số lượng hiện vật có giá trị đến đâu đi nữa, mà chưa có nhà lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan nghiên cứu thì chưa phải là sản phẩm du lịch mà vẫn còn ở dạng tài nguyên du lịch. Một sản phẩm du lịch đúng nghĩa khi nó phải đạt một số chuẩn mực về chuyên môn để có thể trở thành một điểm đến, trong hệ thống tour và đáp ứng được các nhu cầu của du khách khi các hãng lữ hành sử dụng sản phẩm này.

Nếu vấn đề đặt ra Bảo tàng chỉ cho học sinh đến nghiên cứu học tập về văn hoá lịch sử; để những lão thành cách mạng về thăm và ôn lại truyền thống cách mạng, những đoàn cán bộ tham quan và chia sẽ thông tin với Bến Tre … mà chưa có khách du lịch thập phương các nơi trong và ngoài nước ghé vào tham quan Bảo tàng thì có gì đó chưa thành công lắm trong công tác bảo tồn, bảo tàng những hiện vật có giá trị của quê hương qua nhiều thời kỳ. Bởi đến Bảo tàng là nơi nghiên cứu, hình dung được cả thời chiến, thời xây dựng đất nước của một địa phương.

Để khai thác tốt Bảo tàng chúng ta cần đa dạng hoá, nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn, độc đáo với các giá trị văn hoá - lịch sử nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu văn hoá tinh thần đa dạng, phong phú của du khách khi đến tham quan. Ngoài ra chúng ta phải khẳng định là chất lượng sản phẩm du lịch này được quyết định quan trọng bởi những gì thuộc về phần hồn toát ra từ các giá trị ẩn chứa bên trong các giá trị gốc. Còn hình thức trưng bày như một thứ tiếng nói thông qua các hiện vật, nội dung phương pháp thuyết minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trưng bày sáng tạo giúp cho du khách tiếp cận đa chiều các giá trị văn hoá - lịch sử.

Đề xuất: Cần có một chiến lược phát triển cụ thể, có sự phối kết hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nhiều ngành, để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Đổi mới hình ảnh trưng bày, đây là một trong những vấn đề then chốt …. Phải xác định rõ đây là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch của tỉnh, khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch gắn kết với Bảo tàng và các công ty lữ hành cần quan tâm hơn nữa việc giới thiệu tư vấn với du khách về các giá trị của Bảo tàng đặc biệt cần chọn một thời gian hợp lý cho điểm đến này trong một chương trình tour. 

Ngoài công tác đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực chuyên môn của Bảo tàng thì việc trưng bày cũng cần tham khảo góp ý của doanh nghiệp lữ hành hoặc ý kiến đóng góp của khách tham quan … để đáp ứng được yêu cầu thu hút khách du lịch, Bảo tàng cung cấp nội dung trưng bày cần thiết cho các doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu lập các chương trình phục vụ du khách. Công ty du lịch là khách hàng của Bảo tàng và khách du lịch là một phần làm cho Bảo tàng có giá trị. Vì thế cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn với Công ty du lịch. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực dừng chân, nhà vệ sinh, quà lưu niệm và các dịch vụ khác, …

Ngành du lịch phối hợp giúp đỡ Bảo tàng trong việc định hướng các sản phẩm du lịch, có chiều sâu để phù hợp với nhu cầu của du khách và phân khúc thị trường khách. Trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước còn hạn chế thì cần tạo nguồn thu từ khách du lịch, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền ra khi được hưởng thụ những giá trị văn hoá - lịch sử đúng nghĩa và cách phục vụ của hướng dẫn viên. Phải tạo được môi trường an toàn, thân thiện nhằm tạo ấn tượng tốt để có sự tuyên truyền cho người thân và bạn bè./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét