Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Thực hiện chương trình hợp tác, liên kết phát triển Du lịch - Kết quả 6 tháng đầu năm 2018

Đầu năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) 6 tỉnh cụm phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp đã có Chương trình điều phối số 50/CTr-SVHTTDL ngày 12/01/2018 của đơn vị cụm trưởng Long An triển khai về hợp tác, liên kết phát triển du lịch cho cụm duyên hải phía đông nầy. Đây là năm thứ 5 thực hiện liên kết đã đem lại nhiều kết quả thiết thực trong việc mở rộng tour, tuyến, điểm phục vụ du khách khi đến với ĐBSCL.

Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội. Hòa cùng sự đồng khởi khởi nghiệp chung của cả nước, các tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL tiếp tục tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch về doanh thu, lượng khách, cũng như công tác liên kết phát triển du lịch được tăng cường, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ký kết hợp tác liên kết phát triển Du lịch giữa Sở Du lịch TP.HCM và Sở VHTTDL các tỉnh Cụm phía Đông duyên hải ĐBSCL
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được Sở VHTTDL các tỉnh trong Cụm đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nhằm đồng bộ các tiêu chí, cơ chế chính sách, phương pháp thống kê,...; đặc biệt là cung cấp, trao đổi thông tin để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, các Chương trình hành động, liên kết quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của các địa phương trong cụm; điển hình như: Bến Tre - Tiền Giang phối hợp triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia tại các cù lao tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng); Đồng Tháp - Long An - Tiền Giang ký kết cùng xây dựng, khai thác và phát triển du lịch đặc thù Đồng Tháp Mười; Vĩnh Long xây dựng Đề án Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL; Trà Vinh lập Dự án xây dựng làng văn hóa du lịch Khmer;...

Ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh (HCM) cũng hợp tác cùng các tỉnh ĐBSCL trao đổi thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Ngoài ra Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức hội thảo "Định hướng phát triển du lịch tỉnh Bến Tre gắn với du lịch ĐBSCL tại Bến Tre"; dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Trà Vinh; phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang tổ chức Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với Đồng Tháp Mười".
Gian hàng xúc tiến du lịch của Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Bến Tre lần II năm 2017
Trong công tác liên kết xúc tiến du lịch, các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã liên kết quảng bá du lịch cụm đến du khách trong và ngoài nước thông qua các kỳ hội chợ triển lãm như: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội - VITM 2018 (Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh); Ngày hội Du lịch TP.HCM 2018 (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh); Lễ hội và hội thi bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh và Đồng Tháp). Ngoài ra Bến Tre và Tiền Giang kết nối tour tuyến điểm du lịch đường thủy giữa Tây và Đông Nam bộ (Tàu cao tốc Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu). Bên cạnh đó các đoàn famtrip của các Sở VHTTDL được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các hãng lữ hành và những hộ kinh doanh du lịch kết nối sản phẩm giữa các tỉnh trong Cụm. Ngoài ra có một số tỉnh trong Cụm tham gia khảo sát xúc tiến du lịch thị trường HồngKông, Thẩm Quyến, Quảng Châu (Trung Quốc). Đặc biệt là ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã kết nối quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch ĐBSCL; triển khai đưa các công ty lữ hành lớn như: Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Văn hóa Việt, Lủa Việt, Bến Tành tourist,... đến khảo sát và thường xuyên khai thác các tour du lịch trong cụm phía Đông ĐBSCL.

Trong công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, các tỉnh đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, du lịch cộng đồng, nghiệp vụ cho người phục vụ trên tàu và tài công thủy nội địa, xuồng chèo, xe ngựa,... Sáu tháng đầu năm 2018, Cụm đã tổ chức được tổng cộng 6 lớp (Trà Vinh 2 lớp, Bến Tre 3 lớp và Long An 1 lớp).
Gian hàng bốn địa phương một điểm đến (Vĩnh Long - Long an - Bến Tre - Trà Vinh) trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội
Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch của Cụm trong 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng trưởng khả quan, vượt kế hoạch so với cùng kỳ, cụ thể khách du lịch nội địa đạt 5.532.254 lượt, tăng 14% so cùng kỳ; khách quốc tế đạt 906.055 lượt, tăng 6% so cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt 2.234,5 tỉ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Trong số đó, có địa phương lượng khách tăng trên 30%, doanh thu tăng trên 40%; đây là con số sẽ làm đòn bẫy cho những địa phương còn đạt tỉ lệ thấp trong Cụm để cùng phát triển. Cụ thể những con số thống kê trong 6 tháng đầu năm của các tỉnh: 
  • Bến Tre đón 837.416 lượt khách, tăng 30% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 676,7 tỷ, tăng 26,5% so cùng kỳ.
  • Đồng Tháp đón 1.900.000 lượt khách, tăng 10,23% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 400 tỷ, tăng 35,48% so cùng kỳ.
  • Long An đón 600.000 lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 290 tỷ, tăng 18% so cùng kỳ.
  • Tiền Giang đón 1.174.915 lượt khách, tăng 120% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 559 tỷ, tăng 25% so cùng kỳ.
  • Trà Vinh đón 374.000 lượt khách, tăng 33,57% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 115,335 tỷ, tăng 45,23% so cùng kỳ.
  • Vĩnh Long đón 645.923 lượt khách, tăng 7% so cùng kỳ; doanh thu từ khách du lịch 193,5 tỷ, tăng 7% so cùng kỳ.

Với sự hợp tác, liên kết giữa các sở VHTTDL và các Trung tâm TTXTDL có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện các công việc trong chương trình điều phối, đã thiết lập được mối quan hệ giữa các tỉnh trong Cụm nói riêng, các tỉnh thành có ký kết hợp tác khác như TP. Cần Thơ, TP.Hà Nội và TP.HCM; bên cạnh đó còn tạo được sự gắn kết giữa các cơ quan xúc tiến du lịch Trung ương với địa phương, với các Trung tâm XTDL các tỉnh thành khác ngoài Cụm và với Báo chí trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn vòn một số mặc hạn chế mà 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo cần lưu ý như: Việc hợp tác liên kết phát triển du lịch trong Cụm chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới thực hiện thông qua thông tin, quảng bá, xúc tiến,... cần phải liên kết đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hơn công tác hợp tác trong quản lý nhà nước về du lịch. Mỗi địa phương còn tổ chức sự kiện riêng lẻ, chưa có sự kiện chung để vừa tạo sức mạnh, vừa hoành tráng nhằm thu hút khách du lịch đến với Cụm. Chưa tạo nhiều sản phẩm du lịch mới liên vùng trong cụm, sản phẩm chưa phong phú dẫn đến thu nhập từ khách du lịch còn nhiều hạn chế.

Bài toán đặt ra để tìm đáp án đem lại kết quả như mong đợi thật là khó khăn bởi nguyên nhân hạn chế thời gian qua cũng như ở sáu tháng đầu năm 2018 vẫn còn tồn tại như: Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động xúc tiến du lịch cuả các tỉnh còn hạn chế, có tỉnh không có nguồn riêng cho sự nghiệp Du lịch mà phải sử dụng nguồn của sự nghiệp Văn hóa như (Bến Tre, Trà Vinh, Long An), trong khi công tác xã hội hóa còn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa quan tâm đến việc tham gia xúc tiến, quảng bá thương hiệu và liên kết hợp tác; các hộ làm du lịch cộng đồng chưa có kinh nghiệm và một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, cũng như phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương trong Cụm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét