Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Định hướng xây dựng và phát triển các doanh nghiệp du lịch tỉnh Bến Tre

Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đầu tư phát triển du lịch là phù họp với xu thế chung, phù họp với chính sách của Đảng và nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ Dừa.

Ngành du lịch tỉnh Bến Tre những năm gần đây có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, mỗi năm lượt khách đến tham quan đều tăng bình quân 13% so với cùng kỳ. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch, các công ty du lịch được thành lập ngày một nhiều hơn. Chính vì thế để phát triển bền vững cho hoạt động du lịch nói chung và hoạt phát triển các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng thì mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược lâu dài để thu hút khách du lịch và đồng thời có sự đoàn kết, liên kết tạo sức mạnh trong giai đoạn cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, đặc biệc là lĩnh vực du lịch.
Chợ nổi Dừa trên dòng sông Thơm
Để phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp du lịch cần xác định vị thế, thương hiệu, chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu và những hạn chế của thời gian qua với tính tự phát của mình, từ đó định hướng tìm ra các giải pháp thích hợp cho sự phát triển trong thời gian tới…

Hoạt động kinh doanh lữ hành là hoạt động đặc trưng, nổi bật và rõ nét nhất, trong hoạt động kinh doanh du lịch nói chung, muốn phát triển du lịch thì việc nâng cao chất lượng, các hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành là một điều hết sức quan trọng. Kinh doanh du lịch lữ hành là thực hiện các chương trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Ngoài ra còn có thể tiến hành các hoạt động trung gian, bán sản phẩm của các nhà cung cấp du lịch hoạc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác và đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, trong đó; có 5 công ty lữ hành quốc tế và 27 công ty lữ hành nội địa. Việc các công ty lữ hành ra đời góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ du lịch ngày càng cao của du khách, đồng thời tăng cường quảng bá, phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, đa số các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa thật sự gắn kết với nhau. Điều đó được thể hiện từ khâu điều hành, kết nối tour tuyến đến liên kết giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải… ; đó là một hạn chế lớn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá, giảm chất lượmg dịch vụ làm ảnh hưởng đến lượng khách trong thời gian tới.

Bến tre là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch khác nhau như; Du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái sông nước xứ dừa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Đây là tiền đề tốt để ngành du lịch Xứ Dừa phát triển, đem lại những cơ hội việc làm và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác và phát triển các tour tuyến.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần có hình thức quảng cáo mở rộng đa dạng hơn, có các chương trình khuyến mại để áp dụng nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, công ty lữ hành du lịch tồn tại trong thời gian dài nhưng người dân chưa biết đến. Đặc biệt, điều mà hầu hết các nhà quản lý du lịch mong muốn là sự liên kết khi làm du lịch cần có một tiếng nói chung, hợp tác, kết nối các công ty lữ hành với nhau và giữa công ty lữ hành với các đơn vị cơ sở lưu trú, ăn uống, vận tải… Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững, thì lúc đó, ngành du lịch tỉnh Bến Tre mới thật sự phát triển. Đó chính là điều mà các nhà tham gia làm du lịch cần nhìn nhận đúng đắn và có hướng đi phù hợp.
Các doanh nghiệp khảo sát tại huyện Thạnh Phú
Hiện nay, quá trình xây dựng tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Đó là việc liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh còn hạn chế, hầu hết tại những điểm này thì cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ chưa mang tính chuyên nghiệp cao... Trong bối cảnh môi trường kinh doanh như hiện nay, mỗi doanh nghiệp nên cần phải có những chiến lược phù hợp nhằm khai thác hết năng lực của doanh nghiệp.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch
Cần cung cấp những hiểu biết, những quan điểm về phát triển du lịch bền vững cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như đối với cộng đồng dân cư, đặc biệt phải đưa ra các tiêu chí cụ thể cho phát triển du lịch bền vững nhằm định hướng cho các hoạt động du lịch. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho việc kinh doanh du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, da dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng cơ cấu của ngành du lịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, có chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách, phát huy vai trò tổ chức nghề nghiệp liên quan đến du lịch. 

Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Xác định những định hướng, chiến lược phát triển du lịch bền vững, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của từng doanh nghiệp. 

Thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát nghiên cứu về khách hàng để giúp các doanh nghiệp có thông tin đưa ra các quyết định hợp lý. 

Phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến tận các ban, ngành và từng Chi bộ để lãnh đạo điều hành trong việc định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị.

Thiết lập cầu nối tạo sự hợp tác cho các doanh nghiệp
Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch Bến Tre và câu lập bộ hướng dẫn viên du lịch tỉnh nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý và góp phần tạo sự thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. 

Tổ chức các hội thảo, triển lãm về du lịch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể thiết lập được cầu nối cho sự hợp tác trong tương lai. 

Cần đưa ra các chương trình, các biện pháp cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đóng góp tích cực đối với ngành du lịch của tỉnh. Xây dựng quy chế bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch như là điều kiện bắt buộc trong các hoạt động du lịch đến người dân và khách du lịch.

Sự hình thành quỹ phát triển du lịch bền vững từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là rất cần thiết để sử dụng cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên và môi trường.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và các đơn vị làm du lịch, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, hướng khởi sắc sẽ đến gần để giúp ngành du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét