Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Du lịch Bến Tre phát triển sau khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng

Du lịch phát triển sau khi tỉnh Bến Tre lưu thông thuận lợi từ đường thủy lẫn đường bộ không còn phải cách sông, lụy phà đã giúp du khách về với Bến Tre một mạch không phải tốn kém thời gian như những năm 2009 trở về trước. Từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre nếu du khách đi đường cao tốc chỉ mất 1,5 giờ là đến TP Bến Tre. 

Cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động từ năm 2009, cơ hội cho các nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội đa lĩnh vực, lôi kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp không khói cũng phát triển mạnh. Năm 2010 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch được thành lập, đã giới thiệu Đất, Người Bến Tre và những nét đẹp nguyên sơ của quê hương đến du khách trong và ngoài nước, nên hàng năm đều có những sản phẩm mới ra đời; tuy bước đầu chưa có nhà đầu tư qui mô lớn để có những khu du lịch mang tầm cở hiện đại, nhưng những điểm du lịch, những cơ sở lưu trú mang tầm khá từ một đến ba sao, những dự án hạ tầng du lịch, những doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch,... đã đánh dấu được bước phát triển du lịch bền vững.

Thật vậy! Trước khi xây cầu Rạch Miễu, du lịch Bến Tre phát xuất trên nền tảng tự có của thiên nhiên ban tặng, từ đó các lữ hành đường dài như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mở điểm dừng chân, nhận khách và đưa qua sông Tiền về Bến Tre từ bến tàu Mỹ Tho - Tiền Giang để khai thác sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn của vùng sinh thái Xứ Dừa còn nét nguyên sơ mang đậm tính đồng bằng miền Tây Nam bộ. 
Khách nước ngoài đi du lịch sinh thái tại Bến Tre ngày càng tăng
Đến thời điểm hiện nay, bến tàu du lịch nầy vẫn còn nhiều lữ hành nhận khách theo lối mòn cũ và đưa về Bến tre bằng tàu để tham quan, chiêm ngưỡng nét đẹp đầy thơ mộng của các xã ven sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre để thưởng thức trái cây, uống trà mật ong, nghe đàn ca tài tử và đi xe ngựa cọc cạch trên đường làng, chèo xuồng trong rạch nhỏ ngắm nhìn cảnh lao động thường nhật của người dân nơi đây; sau đó tiếp tục hành trình các tuyến du lịch về nguồn hay du lịch làng nghề tại các huyện trong tỉnh.

Với nét đặc trưng của Bến Tre là quê hương được bao phủ bởi một màu xanh rộng khắp của dừa; là tỉnh thuộc vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng được Tổng cục du lịch Việt Nam chọn một trong năm tỉnh đại diện cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL để lập đề án phát triển du lịch sông nước miệt vườn gồm Bến tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp. Đây là điều kiện giúp cho du lịch Bến Tre phát triển; tuy nhiên ta không thể tự hào điều đó mà phủ nhận một công trình thế kỷ của cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền để tỉnh Bến tre nối liền mạch, hòa nhịp cùng các tỉnh bạn trong vùng; phá vở đi sự lẻ loi của một tỉnh cù lao “Ba đảo dừa xanh”.

Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tỉnh Ủy Bến Tre có chỉ thị số 09/CT-TU và đề án phát triển du lịch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về việc phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 đã đánh thức tiềm năng, thế mạnh của du lịch sông nước miệt vườn tại quê hương Xứ Dừa. Các ban, ngành tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, có nhiều đề án, kế hoạch phát triển du lịch từng địa phương nhằm góp phần thu hút được nhiều nhà đầu tư du lịch về Bến Tre, cũng như thu hút được nhiều du khách đến Bến Tre, đặc biệt là lượng khách quốc tế ngày càng chiếm tỉ trọng đến 40% tổng lượng khách.

Dự án khu nghỉ dưỡng Forever Green Resort (xã Phú Túc - Châu Thành giai đoạn từ năm 2009 - 2018 với qui mô 21 ha, vốn đầu tư 50 triệu USD). Đây cũng là khởi đầu của việc đánh thức tiềm năng du lịch với qui mô lớn mang tầm cở khu vực khi có Cầu Rạch Miễu. Khu Resort đã tạo được điểm nhấn cho sản phẩm du lịch tại Bến tre.

Những con số thống kê đã thể hiện được sự phát triển vượt bật và bền vững qua các năm:

+ Từ những năm 2007-2008, lượng khách về Bến tre khoảng 377.000 lượt/năm thì năm 2012 đã tăng lên đến 693.000 lượt/năm; tăng trưởng bình quân là 12,46%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2007-2008 từ 129,5 tỉ/năm thì đến năm 2012 đạt 368 tỉ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22,66%/năm.

+ Năm 2013 lượng khách về Bến tre 800.400 lượt, tăng 15% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 341.800 lượt, tăng 14% so cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch là 459 tỉ đồng, tăng 25% so cùng kỳ. Tổng thu xã hội từ hoạt động du lịch: 827,50 tỉ tăng 25 % so cùng kỳ.

+ Năm 2014 lượng khách về Bến tre 904.000 lượt, tăng 13% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 393.700 lượt, tăng 15% so cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch là 562 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Tổng thu xã hội từ hoạt động du lịch: 993 tỉ đồng, tăng 20% so cùng kỳ.

Lượt khách lưu trú lại từ năm 2009 trở về trước còn rất thấp, du khách được các lữ hành đưa từ bến Mỹ Tho qua Bến tre xong là đưa trở lại Tiền Giang; khi giao thông thuận lợi thì lượng khách lưu trú lại chiếm tỉ trọng khá dần, tính thời điểm hiện tại lượt khách nghỉ lại chiếm 33% tổng lượt khách đến Bến Tre.

Các dự án đầu tư xây dựng có qui mô khá đã và đang đưa vào khai thác phục vụ du khách ngày càng gia tăng như: Trung tâm hội nghị tiệc cưới (Đồng Khởi Palace): Tổng vốn đầu tư 61 tỉ đồng, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 7/2014; Điểm dừng chân du lịch An Khánh (Nhà hàng thủy sản Mêkông): Đã hoàn thành giai đoạn I, đưa vào hoạt động. Kinh phí đầu tư 37 tỉ đồng; Khách sạn Dừa 4 sao; thực hiện năm 2014: 35 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2015: Trạm dừng chân Phú An Khang; Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ; Điểm du lịch Phú Bình - Chợ Lách; Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển;... cũng đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó có mộ số dự án, đề án được phê duyệt chủ trương như: Dự án Điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mekong Pearl; Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”; Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hả; Quy hoạch Khu du lịch Lạc Địa - Phú Lễ;....

Đó là những thành quả của sự góp sức từ chính quyền tỉnh đến địa phương, từ những chính sách ưu đải đối với các nhà đầu tư, từ những nhà đầu tư du lịch, từ những người tham gia làm du lịch, ... đặc biệt là từ sự giao thông liền mạch của cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông. Hy vọng năm 2015, cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng thì du lịch Bến Tre sẽ khởi sắc hơn khi các tour, tuyến liên kết với các tỉnh, thành trong vùng đến tận mũi Cà Mau và kết nối ra cả nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét