Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Thế mạnh lữ hành Bến Tre và Cụm Du lịch năm tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Năm tỉnh du lịch liên kết phía đông ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trà Nóc (Thành phố Cần Thơ); nằm gọn trong 6 nhánh sông đổ ra biển Đông thông qua Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc sông Tiền và cửa Cung Hầu sông Hậu của dòng sông Mêkông và nơi có thể xem là vùng đất đa dạng sinh học (gồm sinh thái mặn, lợ và ngọt), có nhiều đồng lúa bát ngát, vườn cây trái sum sê, khí hậu ấm áp với hai mùa mưa, nắng cùng cảnh quang thơ mộng và người dân rất hiền hòa, mến khách. 

Tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa vùng miền

Tài nguyên du lịch tự nhiên quan trọng nhất của đồng bằng sông Cửu Long là sông nước, miệt vườn gắn với hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái. Đây có thể coi là tài nguyên du lịch đặc thù nhất của vùng. Tiêu biểu là: cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (Bến Tre), cồn Thới Sơn (Tiền Giang) hay cù lao Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long)…; chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang; ruộng lúa nước của người Khmer - Trà Vinh; lúa trời còn gọi là lúa ma ở Đồng Tháp Mười… đã và đang được khai thác phục vụ du lịch tương đối hiệu quả. Không chỉ có sông nước, miệt vườn, ĐBSCL còn có hệ sinh thái tự nhiên tương đối đa dạng và đặc sắc như khu bảo tồn tự nhiên Láng Sen - Long An, Sân chim Vàm Hồ - Ba Tri, rừng ngập mặn Thạnh Phú - Bến Tre … Đây còn là một trong những vựa cá nước ngọt cũng như phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản lớn tại khu vực Nam Bộ.
Sông nước Bến Tre Quê Tôi (tư liệu)
Văn hóa truyền thống của người dân, nét sinh hoạt, sản xuất thích hợp với các điều kiện tự nhiên của vùng được xác định là giá trị tài nguyên du lịch nhân văn cốt lõi của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng là một vùng đất anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều địa danh, chiến địa nổi tiếng như: phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, Di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh ven biển đến tận Cà Mau; Chiến thắng Ấp Bắc, chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút - Tiền Giang; Chiến thắng tại Vàm Nhật Tảo của Nguyễn Trung Trực (Long An) … Bên cạnh đó, nhiều khu lưu niệm, đền thờ được xây dựng để tôn vinh sự nghiệp và ghi nhớ công lao của các vị anh hùng như: Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định - Bến Tre, khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Hùng, khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Vĩnh Long … Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống chùa chiền và đền miếu tương đối phong phú, đặc sắc. Tiêu biểu là: Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long, chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang, chùa Tôn Thạnh - Long An, chùa Âng - Ao Bà Ôm và trên 100 ngôi chùa Khmer khác đã thể hiện nét văn hóa của Dân tộc Khmer tại Trà Vinh hay chùa Hội Tôn Châu Thành - Bến Tre, làng cổ Đông Hòa Hiệp - Tiền Giang… Vùng đồng bằng sông Cửu Long này là nơi có nhiều hoạt động lễ hội trong năm. Tùy vào nội dung hoạt động có thể phân ra các loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian của khu vực. Các lễ hội đặc sắc như: Oóc-om-bóc (toàn bộ người dân Khmer), lễ hội nghinh Ông tại các tỉnh ven biển, Lễ hội trái cây ngon an toàn - Bến Tre… Đối với phát triển du lịch, ca múa nhạc dân tộc cũng là một loại hình sản phẩm du lịch đang được chú ý phát triển. Tiêu biểu là đờn ca tài tử Nam Bộ, vọng cổ, cải lương, hò đối đáp trên sông nước Cửu Long…

Ẩm thực khu vực cụm 5 tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long khá phong phú, nét đặc sắc của “ẩm thực khẩn hoang” gắn với những nguyên liệu hết sức đơn giản, dân dã, tự nhiên. Ẩm thực khẩn hoang của miền Tây có thể được coi là đóng góp hết sức có giá trị của đồng bằng sông Cửu Long cho văn hóa ẩm thực và du lịch Việt Nam.
Du khách thưởng thức trái cây và bưởi da xanh Bến Tre
Làng nghề tiểu thủ công được coi là nghề phụ để cải thiện thu nhập. Các làng nghề của vùng là nguồn cung cấp các sản vật địa phương, quà lưu niệm đồng thời là những tài nguyên du lịch quan trọng, điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa, chỉ sơ dừa, hoa kiểng - cây giống hay bánh phồng - bánh tráng; Vĩnh Long có nghề làm gốm, tàu hủ ky …

Các tuyến du lịch tiềm năng 

Hiện nay, các tỉnh liên kết đang khảo sát các điểm đến và tiềm năng du lịch của từng địa phương, chọn sản phẩm du lịch hấp dẫn nằm trên các tuyến, trục du lịch của từng tỉnh để tạo tuyến liên kết du lịch 5 tỉnh phía đông ĐBSCL. Lấy du lịch sông nước miệt vườn, tham quan làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng ngập nước và di tích lịch sử làm chủ đạo. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của cụm hợp lý về không gian, thời gian, điều kiện tiếp cận. 
Du khách Úc trãi nghiệm tát mương, bắt cá
Cụ thể là thiết kế chương trình tour 5 ngày/4 đêm liên kết toàn tuyến 5 tỉnh gồm: Long An với Khu du lịch Happy Land, nhà cổ Phước Lộc Thọ; Tiền Giang thăm Chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp, Chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm; Bến Tre trãi nghiệm sông nước sinh thái xứ dừa, hoa kiểng cây giống Cái Mơn, làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa; Trà vinh nghiên cứu Văn hóa dân tộc và hệ thống chùa Khmer; Vĩnh Long viếng các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề, sông nước sinh thái, homestay.

Ngoài ra, các tours 3 ngày – 2 đêm nối 2 hoặc 3 tỉnh theo nhóm với nhau để tạo ra nhiều lựa chọn cho các hãng lữ hành của các thị trường trọng tâm và du khách như:
  • TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long; 
  • TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh;
  • Cần Thơ - Vĩnh Long - Bến Tre - Tiền Giang…

Bên cạnh đó, tiềm năng tổ chức hệ thống tuyến đường sông có thể khai thác phát triển thành các tuyến du lịch đường thủy hấp dẫn như các tuyến dọc sông Tiền, sông Hậu, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ với An Giang và Campuchia.

Tiềm năng du lịch cụm du lịch duyên hải 5 tỉnh phía đông ĐBSCL là rất lớn và khả năng còn phát triển đa dạng, phong phú hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước  và các đơn vị kinh doanh du lịch của 5 tỉnh cần tiếp tục quy hoạch, liên kết và phát triển để tạo nhiều sản phẩm khác biệt để thu hút khách; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Cụm du lịch duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét