Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Vài nét về hệ thống di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An

Long An có đồng ruộng phì nhiêu, bao la bát ngát là tài nguyên vô giá để sản sinh những hạt lúa vàng, góp phần tạo nên ấm no cho xã hội. Cư trú trên mảnh đất này một cộng đồng người cần cù, sáng tạo, kiên cường, dũng cảm nhưng cũng rất nhân hậu, thủy chung. Ngót ba thế kỷ qua, các thế hệ người Long An đã sáng tạo và truyền lại những giá trị văn hóa vô cùng quý giá. Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, các di tích lịch sử - văn hóa là nơi ghi dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình chinh phục thiên nhiên, bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần, mang sắc thái riêng của cộng đồng cư dân Long An. 

Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử - văn hóa nói riêng, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Long An đã nỗ lực rất lớn để ngăn chặn sự xuống cấp của di tích, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn và nguyên gốc của di tích trước tác động của tự nhiên và con người. Đồng thời, tỉnh cũng đã phát huy cao độ những giá trị vốn có của các di tích lịch sử - văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm nhận thức về vai trò và tiềm năng to lớn của di tích lịch sử - văn hóa đối với sự phát triển nên đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. 
Về pháp lý, tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng 20 di tích quốc gia, đồng thời ra quyết định xếp hạng 84 di tích cấp tỉnh theo thẩm quyền. Nhờ đó, những di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh đã được bảo vệ an toàn trước nguy cơ bị xâm hại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí,  nhưng tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỉ đồng kết hợp với nguồn kinh phí của Trung ương để thực hiện việc trùng tu, phục hồi, tôn tạo các di tích trọng điểm. Cho đến nay, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử của cha ông, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch, cụ thể như:
Di tích Vàm Nhựt Tảo( Tân Trụ, Long An)- Đền tưởng  niệm
  • Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu, thành phố Tân An), được xây dựng năm 1817, là di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm có niên đại thế kỷ XVIII, XIX.
  • Chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), được xây dựng năm Gia Long thứ 7 (1808) là một danh lam của đất Gia Định xưa. Trong thời gian 1859 – 1861, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn yêu nước tại chùa này, trong đó có bài Văn tế nghĩa sĩ  Cần Giuộc nổi tiếng. Lịch sử  đã lưu danh chùa Tôn Thạnh qua những câu văn bất hủ: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
  • Nhà Trăm cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiểu kiến trúc nhà ở của tầng lớp địa chủ Nam Bộ lúc bấy giờ.

  • Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), là nơi ghi dấu cuộc biểu tình chống thực dân Pháp của khoảng 5.000 đồng bào quận Đức Hòa vào ngày 4/6/1930. Đồng chí Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định) đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình này.
  • Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), là căn cứ bưng biền kháng chiến của Khu 7 và Tỉnh ủy Chợ Lớn trong chống Pháp, Tỉnh ủy Long An trong kháng chiến chống Mỹ.
  • Công viên - Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An), là công trình văn hóa – lịch sử phản ánh truyền thống anh hùng của đảng bộ, quân và dân Long An trong kháng chiến chống Mỹ bằng hình tượng nghệ thuật.
  • Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), là 1 trong 3 căn cứ cách mạng lớn nhất Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. 

Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang (người đứng thứ 3 từ trái sang) trong ngày lễ khởi công xây dựng công trình di tích Ngã tư Đức Hòa ngày 29/6/2012
Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống chính sách, pháp luật, các di tích lịch sử - văn hóa ở Long An đang được bảo tồn và trở thành động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những nhận thức và hành động chưa đúng, chưa đủ về bảo tồn di tích. Việc đầu tư cho di tích về cơ chế, về tài chính vẫn chưa thỏa đáng. Một số di tích sau khi được xếp hạng vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo. Vì vậy, làm thế nào để xử lý hài hòa giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế vẫn là một thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân Long An chung tay giải quyết. Trong hiện tại và tương lai, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chấn chỉnh bộ máy quản lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, tiếp tục đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các dự án phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, khơi dậy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để chăm lo cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Có như thế, tiềm năng to lớn của di sản văn hóa mới được phát huy cao độ, phục vụ tích cực sự nghiệp phát triển các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Văn Thiện
Sưu tầm http://dulichlongan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét