Thực hiện quan điểm tại Đại hội XII của Đảng, “phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao,...”, đó là quan điểm phát triển chung của cả nước. Bến Tre góp phần triển khai thực hiện để phát triển ngành du lịch thành kinh tế quan trọng của tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thực trạng và định hướng phát triển du lịch
Bốn cửa sông lớn của dòng sông Mêkông (sông Cửu Long) là sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đã bồi đắp hình thành nên tỉnh Bến Tre. Từ những năm 2009 trở về trước, muốn đến Bến Tre hay Bến Tre đi ra ngoài tỉnh phải mất nhiều thời gian do giao thông trắc trở bởi còn ngăn sông - lụy phà; từ đó mà kinh tế, xã hội phát triển chậm so với các tỉnh, thành trong khu vực. Khi Cầu Rạch Miễu bắt ngang sông Tiền; cầu Hàm Luông khánh thành; lúc bấy giờ Bến Tre không còn là tỉnh lẻ; các khu công nghiệp mọc lên, nông thôn và thành thị đều khởi sắc. Năm 2015 cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào lưu thông đã nối liền mạch giữa Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,...; đặc biệc là cơ hội lớn cho việc phát triển du lịch, một ngành công nghiệp không khói được chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và khai thác.
Bản đồ du lịch tỉnh Bến tre được bao bọc bởi dòng sông Cửu Long |
Bến Tre là tỉnh cù lao, sông ngòi chằng chịt; với thương hiệu là “sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa” là đặc thù riêng có của Bến Tre và là một trong năm tỉnh đại diện miền sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, chuyên nghiệp, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm trên các tiềm năng về du lịch sinh thái gắn với sông nước miệt vườn; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch gắn với biển; du lịch vui chơi giải trí; du lịch hội nghị hội thảo(MICE); du lịch tham quan, nghiên cứu bảo tồn rừng ngập mặn;... Bến Tre đã có đề án phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục xây dựng đề án Thương mại Dịch vụ Du lịch giai đoạn 2016-2020 hướng tới năm 2025 nhằm triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2020 thành lập mới khoảng 27 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp dịch vụ du lịch 136 doanh nghiệp, chiếm 5,18% trong tổng số doanh nghiệp khu vực dịch vụ (KVDV) của tỉnh. Ngoài ra, còn phát triển thêm 9 cơ sở kinh doanh du lịch, nâng tổng số sơ sở kinh doanh du lịch lên 62 cơ sở. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của KVDV tăng 7,5%/năm giai đoạn 2016-2020. Trong đó số lượng khách du lịch tăng trưởng bình quân 11%/năm. Đến năm 2020 tỉnh Bến Tre đón được 1.700.000 lượt khách với tổng thu từ du lịch đạt 1.892 tỷ đồng và doanh thu du lịch tăng trưởng 22%/năm giai đoạn 2016-2020.
- Tài nguyên, sản phẩm hiện hữu: Với thương hiệu có khả năng cạnh tranh và không trùng lắp sản phẩm với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thì “Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa” kết hợp giữ gìn và thường xuyên tôn tạo các giá trị di tích lịch sử tại Bến Tre như di tích Đồng Khởi (Mỏ Cày Nam); Di tích Mộ nhà giáo Võ Trường Toản (Ba Tri); Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri); Di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa (Giồng Trôm); Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ và Khu mộ (Thạnh Phú) và nhiều di tích cấp quốc gia khác. Hiện Bến Tre đang trình thủ tục công nhận hai di tích cấp quốc gia đặc biệt là di tích Đồng Khởi và Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.
Di tích Đồng Khởi xã Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam |
Bên cạnh đó giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống tại Bến Tre như: Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề khai thác Dừa, làng nghề Cây giống và hoa kiểng; làng nghề sản xuất kẹo dừa; làng nghề sản xuất rượu Phú Lễ; làng nghề đan đát Phước Tuy - Phú Lễ; làng nghề làm nón lá Mỹ Hưng; làng nghề bánh dừa Giồng Luông;..., những làng nghề nầy đã luôn gắn bó với người dân Bến tre hàng trăm năm tuổi và cũng là những sản phẫm du lịch đặc thù để phục vụ khách tham quan, mua sắm.
- Hướng phát triểnsản phẩm du lịch đặc thù: Bến Tre đang nghiên cứu để phát triển sản phẩm du lịch mang tính đột phá và khác biệt, mang đặc trưng riêng của Bến Tre. Hình thành các sản phẩm du lịch như: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm cùng người dân; phát triển loại hình du lịch homestay miệt vườn Xứ Dừa, phù hợp với thị trường khách quốc tế; nghiên cứu mở trại sáng tác nghệ thuật từ dừa, trưng bày các sản phẩm tinh xảo từ dừa, vườn nghệ thuật về dừa, không gian dừa, ẩm thực xứ dừa,…. Tập trung kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên và các dịch vụ vui chơi giải trí; triển khai dự án nhằm mở hướng phát triển không gian dừa Bến Tre.
Chèo xuồng trong rạch dừa nước, một trải nghiệm đặc trưng của Bến Tre |
- Phát triển du lịch biển: Bến Tre có 65km bờ biển; để khai thác tiềm năng du lịch và trải nghiệm vùng ngập mặn ở ba huyện ven biển của Bến tre là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Tại đây, tài nguyên du lịch biển phong phú và cũng là sản phẩm hiện đang có chiều hướng phát triển mạnh. Tiếp tục thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” đến năm 2030; nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. UBND tỉnh đã có quyết định thành lập khu du lịch địa phương (Thạnh Phong Thạnh Hải huyện Thạnh Phú); tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư những hạng mục trong Đề án phát triển du lịch của huyện Thạnh Phú mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký ngày 21/7/2016 vừa qua. Huyện Ba Tri cũng đang triển khai thi công hạ tầng giao thông nối liền các xã ven biển như An Thủy, Tân Thủy và Bảo Thạnh để phát triển du lịch biển tại cồn Tròn và cồn Ngoài trên địa bàn nầy.
- Phát triển du lịch tâm linh: Trong việc tạo động lực thu hút khách du lịch đến Bến Tre, tỉnh cũng quan tâm đến loại hình du lịch nầy nhằm thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch làm đa dạng sản phẩm và hấp dẫn cho du khách như: Thánh thất Cao đài Tiên Thiên đạo(Châu Thành); Thánh thất Cao đài Ban chỉnh đạo (TP.Bến Tre); Nhà thờ La Mã (Giồng Trôm), một trong ba trung tâm hành hương của Giáo hội Việt Nam, sau Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu; Nhà thờ Cái Mơn (Nhà thờ lớn nhất vùng);.... Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển du lịch tâm linh nhằm cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch và tăng cường quản lý điểm đến của loại hình du lịch nầy.
Liên kết để phát triển
Trong phát triển du lịch liên vùng, liên miền, thì Bến Tre đã ký kết hợp tác du lịch với Tp. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, TP.Cần Thơ, một số tỉnh bạn, đặc biệt là Tổng cục Du lịch Việt Nam kết hợp với Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL thành lập hai cụm liên kết phát triển du lịch của vùng ĐBSCL là cụm phía Đông và cụm phía Tây của Đồng bằng Nam bộ. Tỉnh Bến Tre được nằm trong cụm phía Đông Duyên Hải ĐBSCL với 6 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp.
Cụm phía Đông đã ra đời bản đồ du lịch chung vào năm 2015 và đầu năm 2016 Cụm đã có tập gấp nhằm quảng bá, thông tin tour, tuyến, điểm du lịch của “Năm địa phương Một điểm đến” (lúc bấy giờ chưa có Đồng Tháp) nhằm quảng bá một tour du lịch dài ngày với nhiều sản phẩm phong phú, không trùng lấp của vùng sông nước ĐBSCL với Long an là Làng nổi Tân Lập, Vĩnh Long là sông nước miệt vườn, Bến Tre và sông nước Xứ Dừa, Tiền Giang là chợ nổi Cái Bè và Trà Vinh là văn hóa Khmer; đó là những thương hiệu đặc trưng trong tour liên kết dài ngày khi du khách đến trải nghiệm và tham quan vùng sông nước ĐBSCL tại Cụm phía Đông duyên hải.
Bến Tre và các tỉnh liên kết sẽ từng bước ký liên kết hợp tác đến các tỉnh miền Đông Nam bộ để phát triển tốt hơn thị trường khách nội vùng, nội miền với nhau. Việc liên kết phát triển du lịch là một giải pháp để giải quyết được một số bất cập cơ bản nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương sẽ dễ dàng hơn, cũng như tham gia góp ý cho quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Tổng Cục Du lịch đã xây dựng và thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét