Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn và Trường Đại học Charles De Gaulle - Lille 3 (Pháp) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Các loại hình du lịch hiện đại” trong 2 ngày 20 và 21/10/2016 tại TP.Hồ Chí Minh. Đây là một sự kiện học thuật có tính kết nối cao khi có sự tham gia của các thành viên trong ban tổ chức và các tác giả của Hội thảo Khoa học cấp tỉnh “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú” đến từ Bến Tre.
Hội thảo đã ghi nhận 1 điểm nhấn của Du lịch Bến Tre với bài trình bày “Phát triển du lịch làng nghề tỉnh Bến Tre (nghiên cứu nghề nấu rượu Phú Lễ huyện Ba Tri” của TS. Mai Mỹ Duyên (ĐH Trà Vinh) và Ths Bùi Hữu Nghĩa đến từ Ba Tri. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân du lịch trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo đã được giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về làng nghề nấu rượu Phú lễ nổi tiếng ở Bến Tre; Phú Lễ đại diện cho loại hình du lịch làng nghề, du lịch cấp địa phương tiêu biểu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên lề Hội thảo, các đại diện đến từ trường Cao đẳng Bến Tre, các tác giả, nhà nghiên cứu của Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre cùng các đồng hương Bến Tre tại Tp. Hồ Chí Minh đã có cơ hội chia sẻ thông tin, kết nối, xúc tiến nghiên cứu, hợp tác phát triển du lịch Bến Tre với các đại biểu trong và ngoài nước với các ý tưởng lớn gắn kết văn hóa - làng nghề, di sản lịch sử với du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa… như vấn đề nghiên cứu phát triển du lịch ở các làng nghề cây kiểng, hoa giống tại vương quốc cây kiểng Cái Mơn gắn với điểm nhấn nhà bác học Trương Vĩnh Ký; Du lịch sinh thái vùng ngập mặn biển Bình Đại với điểm nhấn Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát hay Du lịch biển huyện Ba Tri kết nối các làng nghề đan đát, làng nghề rượu Phú Lễ gắn với điểm nhấn di tích cấp quốc gia của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu… Đây là những ý tưởng đã được các chuyên gia của Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú” gợi mở ngay sau khi kết thúc Hội thảo này.
Thầy Phan Văn Luân đã trao ấn phẩn quảng bá Địa chỉ du lịch Bến Tre cho GS. Serge Mantienne tại Hội thảo( ảnh: STT) |
Quan tâm đến xứ dừa Bến Tre, GS. Serge Mantienne đến từ Pháp tác giả bài nghiên cứu Pourquoi le tourisme doit aller dans les plantations d’heveas (Tại sao ngành du lịch cần quan tâm đến đồn điền cao su?) đã trao đổi riêng với nhà trường về định hướng khai thác du lịch Bến Tre phải đặc biệt quan tâm đến cây dừa; bởi cây dừa là cây công nghiệp và cũng là địa phương tập trung cây dừa nhiều nhất nước đã gắn bó với người dân qua nhiều thế kỷ mà được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa;…
Điều đáng ghi nhận là các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Charles De Gaulle - Lille 3 bước đầu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nghiên cứu phát triển du lịch ở vương quốc cây kiểng Cái Mơn với điểm nhấn nhà bác học Trương Vĩnh Ký; các chuyên gia từ Pháp đã thông báo dự kiến đầu năm 2017 sẽ có chuyến làm việc chính thức với tỉnh Bến Tre về vấn đề này, GS Chung Hoàng Chương - Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thông báo tháng 11 tới đây sẽ có chuyến thực địa tìm hướng phát triển du lịch Thạnh Phú qua một dự án kết nối 2 dòng sông Cổ Chiên và Hàm Luông. Đây là một tín hiệu vui cho du lịch Bến Tre sau khi tỉnh tổ chức thành công Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”.
Từ sự thành công của Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”; kế tiếp là Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Các loại hình du lịch hiện đại" lần nầy; ngoài các chuyên gia Hội thảo, các GS, TS tại các trường trong và ngoài nước đã quan tâm đến việc phát triển du lịch Biển tại ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre; sự quan tâm của Hội đồng hương Ba Tri tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã có bước gắn kết cùng Trường Cao Đẳng Bến Tre để tổ chức Hội thảo “Bàn tròn Du lịch biển Ba Tri điểm nhấn từ Di sản Văn hóa và làng nghề” trong năm 2017 để mời các vị GS, TS tại các trường sẽ là các chuyên gia cho Hội thảo.
Khắc Kỳ, Lê Luông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét