Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Tiềm năng du lịch Bình Đại - Bến Tre

Bến Tre có chiều dài 65km bờ biển, trong đó Bình Đại là một trong ba huyện ven biển, đã chiếm 27km. Bình Đại bao quanh bởi: Phía Tây giáp huyện Châu Thành, phía Bắc giáp sông Tiền (Cửa Đại), phía Nam giáp sông Ba Lai (Cửa Ba Lai), phía Đông giáp biển (hai cửa đổ ra biển là hai dòng hạ lưu sông MêKông). Bến Tre được thêm hai dòng hạ lưu nữa là Hàm Luông và Cổ Chiên, bốn dòng hạ lưu nầy đã bồi đắp tạo thành 3 dải cù lao (Minh, Bảo và An Hóa). Huyện Bình Đại và một phần huyện Châu Thành thuộc cù lao An Hóa, với chiều dài gần 90km, có 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) phù hợp nhiều loại cây trái 4 mùa, cộng thêm nguồn lợi thủy hải sản phong phú đã tạo nên một tiềm năng du lịch đầy hấp dẫn.

Để đến được Bình Đại, từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo đường cao tốc khoảng 65km hay từ thành phố Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1 khoảng 90km là đến ngã ba Trung Lương thuộc tỉnh Tiền Giang. Đi thêm 5 phút ngồi xe là đến chân cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền (Ranh giới của Tiền Giang và Bến Tre) là đến huyện cửa ngõ của Bến Tre; huyện Châu Thành sẽ chào đón quí khách. Từ đây nếu về thành phố Bến tre chỉ 12km, nhưng ta rẽ trái di chuyển gần 40km là đến Thị trấn Bình Đại; muốn ra tới biển phải mất khoảng 15 phút ngồi xe ôtô là tới nơi.

Để tìm hiểu về Bình Đại, khi đi hết địa phận huyện Châu Thành, qua cầu An Hóa là đến đại phận Bình Đại. Xã đầu tiên ghé thăm là xã Long Định; một địa danh nghe qua có gì đó ấn tượng với hai từ Long và Định. Một xã có đến 2 di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia là hai Đình Thần có gần 200 năm tuổi (đình Long Phụng và đình Long Thạnh); Hai đình nầy có liên qua gì với Long Định chăng. Có phải xa xưa có vị Vua đã về ngự nơi đây, hay là các vị Vua đã đến đây đóng Ấn phong Thần cho những ông, cha có công với đất nước,... Tới đây, với kiến trúc độc đáo của nét văn hóa cổ được sơn son, phết vàng lộng lẫy đã hút hồn ta vào cõi tiên cảnh đầy tâm linh. 
Du khách tham quan di tích cấp Quốc gia Đình Long Phụng xã Long Định huyện Bình Đại
Rời những di tích Văn hóa lịch sử, ghé thăm và chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ của Chú Bảy Ẩn cũng thuộc xã Long Định. Ngôi nhà có trên trăm năm tuổi của ông nội Chú để lại, đến đời cha và giờ Chú Bảy bảo tồn di sản quí giá nầy. Không thể không ngạc nhiên và thích thú với kiến trúc chạm trổ tài hoa của các bậc điêu khắc thời xa xưa đã tỉ mỉ dày công tạo hình tạo dáng trên những khung cửa, khung vách hay những tấm hoành phi, những vật dụng trang trí trong nhà..... Rời nơi đây, đến đình Tân Hưng thuộc xã Châu Hưng. Đình thờ Ông Huỳnh Văn Thiệu là người có công khai phá xưa kia ở vùng nầy được nhân dân tôn sùng và kính thờ đến ngày nay; Cụ là Ông của Huỳnh Tấn Phát. Ngay chung quần thể khuôn viên của Đình có đền thờ Ông Huỳnh Tấn Phát là một kiến Trúc sư tài ba đã có nhiều công trình kiến trúc độc đáo tại TP .Hồ Chí Minh, Đà Lạt, An giang, Mỹ Tho,... Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Phó Thủ tướng); Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và cũng là tác giả của Quốc kỳ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng).

Cồn Tam Hiệp người dân nơi đây còn gọi là cồn Tàu, một nơi yên bình đầy thơ mộng trên dòng sông Tiền, cây trái sum suê; một quang cảnh hữu tình phù hợp cho du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Nơi đây, nhà làm du lịch có cái tên thân thương "Út Trinh" là người con của quê hương đã từng vang danh với Homestay Út Trinh tại Vĩnh Long từ những năm đầu của thập niên thứ I ở thế kỷ XXI nầy; cô đã trở về quê hương để đầu tư xây dựng phát triển du lịch cộng đồng với loại hình homestay, góp phần cho du lịch Bình Đại ngày càng khởi sắc.

Chùa Vạn Phước, nơi du lịch tâm linh với khuông viên 8.000m2 rộng lớn, với công trình kiến trúc đẹp như tranh, cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều loài hoa sặc sỡ khoe sắc khắp nơi, ... khiến ta cảm nhận như đang đứng giữa Đà Lạt hay nơi thiên đình nào đó mà không thể nghĩ là Xứ biển, bởi cảnh quan ấy đã kết hợp nhiều viên đá khổng lồ, tượng phật Di Lặc cao 20m; tượng Phật Bà Quan Âm với chiều cao gần 50m cũng được xây dựng đã thu hút du khách rất lớn từ các nơi về chiêm ngưỡng và bái phật, nhiều nhất là từ TP. Hồ Chí Minh. Đến đây du khách sẽ thưởng thức một bữa cơm chay để cảm nhận được hương vị ấn tượng cho thực khách khi tìm hiểu về món ăn chay đồng nội.

Rời khỏi khu vực tâm linh với tinh thần nhẹ nhỏm của chuyến hành trình sau bao ngày làm việc vất vả. Bãi biển xã Thừa Đức, biển Thới Thuận, là nơi không thể bỏ qua khi đến với Bình Đại - Bến Tre. Nơi đây, Cồn Bà Tư, Cồn Chày Mười giáp biển, là nơi trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn như rừng đước, rừng bần, rừng phi lao, cộng với những vườn xoài, nhãn, những rẫy dưa hấu, những ruộng muối, vuông tôm,... đã làm phong phú sản phẩm tham quan trải nghiêm và ngủ đêm lại tại những homestay để cùng người dân nơi đây đi bắt nghêu, cua, ba khía, sò huyết,... đặc biệt là tham quan ngư dân nuôi hào và bắt hào nơi đây.
Ngư dân nuôi và khai thác Hào trên kênh cồn Chày Mười
Đến Cồn Chày Mười, thật ngỡ ngàng không thể hình dung khi nhìn thấy sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nầy, đó là sản phẩm độc nhất vô nhị trên đất nước Việt Nam mà không trùng lập bất cứ nơi nào; một bờ đê chắn sóng biển bằng những vỏ ốc viết từ ngoài khơi được sóng đưa vào hàng ngày từ bao đời nay đã hình thành nên một bờ đê ốc viết cao 1,5m, dài từ 6.000 - 7.000m. Đây là sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển Bình Đại sau nầy nếu các Nhà đầu tư du lịch phối hợp cùng địa phương quan tâm qui hoạch đầu tư cho du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt ấy tại Cồn Chày Mười.
Bờ đê chắn sóng biển bằng ốc viết dài trên 6km tại được thiên nhiên ban tặng cho cồn Chày Mười (ảnh sưu tầm)
Với những tài nguyên du lịch hiện hữu và những tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho mãnh đất quê hương Bình Đại là những tiềm năng vốn có đã gắn bó cùng sự hiền hòa, chất phác của nông dân, ngư dân nơi đây. Những nhà đầu tư du lịch, những nhà làm du lịch, đặc biệt là các hãng lữ hành không thể bỏ đi cơ hội ngàn vàng trong khai thác du lịch và trong phát triển du lịch của địa phương./.
Lê Luông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét