Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Huyện Ba Tri cần định hướng cho phát triển du lịch

Du lịch Ba Tri cần có tư duy và phải đi vào thực tiễn, nhìn nhận sự thật mà xác định hướng đi riêng, tách rời khỏi cây Dừa, khỏi sản phẩm Dừa mà định hướng phát triển sản phẩm vùng biển được thiên nhiên ban tặng gắn liền với văn hóa bản địa. (Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhận định)
Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu trong Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch huyện Ba Tri vào tháng 9/2017
Để thực hiện Đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ và Du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch của Huyện ủy Ba Tri 2016-2020; thực hiện Đề án phát triển du lịch của UBND huyện Ba Tri. Đặc biệt hơn là thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND ngày 09/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tỉnh ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bến Tre quê hương Đồng Khởi, phát triển du lịch với thương hiệu "Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa", có 8 huyện và một thành phố; trong đó Ba Tri là một trong ba huyện giáp biển của Bến Tre. Kinh tế chủ yếu của Ba Tri là nông nghiệp và ngư nghiệp; có nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và được thiên nhiên ưu đãi cho vùng sinh thái xứ biển nầy một tiềm năng du lịch phong phú có thể phát triển du lịch vượt bậc mang tính đặc thù riêng trong tỉnh mà không theo thương hiệu chung của tỉnh. 

Những cơ hội:
Ba Tri nằm ở phía đông cù lao Bảo, phía bắc giáp với huyện Bình Đại, có chung ranh giới sông Ba Lai; phía nam giáp huyện Thạnh Phú, có chung ranh giới sông Hàm Luông; phía đông giáp biển; phía tây giáp huyện Giồng Trôm; Ba Tri cách thành phố Bến Tre khoảng 36km về hướng Đông Nam, có diện tích gần 355km2,.. Đây là địa phương có nhiều di tích gắn với các danh nhân nổi tiếng; các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng...

Một số điểm du lịch trên địa bàn huyện đã có du khách đến tham quan như: Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2km; đây là di tích cấp Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính Phủ; Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ, di tích Mộ Võ Trường Toản, di tích địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi; khu lưu niệm đốc binh Phan Ngọc Tòng; miếu thờ và mộ cụ Tán Kế; di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú lễ;..., kết hợp các làng nghề như: làng nghề đan đát, làng nghề rượu truyền thống tại xã Phú Lễ; làng nghề muối Bảo Thạnh;  làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề cá khô An Thủy, ngoài ra còn có khu sinh thái Vàm Hồ xã Tân Mỹ (sân chim Vàm Hồ). Tất cả những sản phẩm ấy sẽ gắn kết với biển phù sa Cồn Ngoài, Cồn Hố, Cồn Tròn để phát triển du lịch biển tại Ba Tri.
Các nhà khoa học đến dự Hội thảo khoa học "Phát triển điểm đến du lịch" tại khu du lịch Nông trại Vàm Hồ vào tháng 5/2017 để tìm hướng đi cho du lịch Ba Tri
Nếu ai là người quan tâm đến du lịch huyện Ba Tri cũng đều có chung cảm nhận; đây là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nhằm trải nghiệm làng nghề, trải nghiệm biển, nghiên cứu văn hóa lịch sử;... .  Những năm qua, Lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện dù đã có nhiều nỗ lực, tập trung chỉ đạo cho phát triển du lịch, song du lịch vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vậy! nhiện vụ trọng tâm của Ba Tri hiện nay về phát triển du lịch cần phải xác định hướng phát triển theo chủ đề, theo sự độc lập riêng của huyện để tạo sự khác biệt trong địa bàn toàn tỉnh, không trùng lấp huyện khác nhằm góp phần cho phong phú sản phẩm du lịch của Bến tre để thu hút khách du lịch ngày càng nhiều, giúp tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch huyện Ba Tri, ngoài việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng. Cần khai thác di tích lịch sử để phát triển du lịch về nguồn; khai thác vùng ngập mặn, kết hợp những ruộng dưa, rẫy sắn, những làng nghề truyền thống như nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề làm rượu Phú Lễ, làng nghề cá khô An Thủy, làng nghề muối Bảo Thạnh để phát triển loại hình du lịch homestay; phát triển mạnh loại hình du lịch Nông trại tại Ba Tri kết hợp với trải nghiệm các dịch vụ trên biển phù sa. Đặc biệt là phát triển loại hình hát Sắc bùa Phú Lễ để phục vụ du khách tại các điểm dừng chân hoặc tổ chức sinh hoạt hàng tuần trên các làng nghề để dần trở thành phong trào nhằm bảo tồn và phát triển.

Những việc phải đối đầu:
Nói suông thì rất dễ nhưng để đi vào thực tế thì những người làm du lịch, những người chuẩn bị làm du lịch và nhiều người muốn tham gia làm du lịch trên những tài nguyên hiện có của họ, góp phần cho du lịch huyện nhà phát triển đó là bài toán khó, không dễ, mà các ngành, các cấp trước tiên cần thống nhất nhận thức xem du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao; từ đó tuyên truyền tạo được nhận thức phát triển du lịch đến tận người dân, cộng đồng trách nhiệm. Đẩy mạnh việc giáo dục ý thức cộng đồng trong nhân dân, đặc biệt là người dân trực tiếp tham gia các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực du lịch về kiến thức văn hóa, lịch sử địa phương, văn hóa giao tiếp, thái độ thân thiện, phục vụ ân cần, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách... . Có như vậy thì mới thực hiện tốt được chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tỉnh ủy Bến Tre một cách thiết thực.

Những câu hỏi cần đặt ra như: Tôi muốn làm mà tôi không am hiểu về du lịch; tôi đã làm mà vẫn không thu hút được khách đến; tôi đầu tư rồi sẽ có khách không; tôi muốn đầu tư mà chưa tự tin lắm; ... Vậy thì họ sẽ làm gì và bắt đầu từ đâu; động cơ nào để họ bắt tay vào một cách tự tin, tự nguyện; Họ sẽ hỏi ai, và ai sẽ trả lời cho họ; ai sẽ là người tư vấn cho họ,.... Đó!, đó là bài toán nếu giải quyết được tức thời thì từng bước sẽ đi vào sự phát triển bền vững.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển và nâng chất các làng nghề truyền thống gắn kết du lịch sinh thái với du lịch trải nghiệm làng nghề và trải nghiệm du lịch biển,… Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho du lịch, trong đó đặt biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch và phát triển các loại hình du lịch; trong đó du lịch Homestay: Trải nghiệm với sinh hoạt của người dân bản địa (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) sẽ phù hợp với địa phương. Đặc biệt là mô hình du lịch nông trại là rất khả thi; riêng Ba Tri phát triển loại hình du lịch Nông nghiệp - Công nghệ cao đầu tư chi phí thấp cũng phù hợp với một số địa phương trên địa bàn huyện...

Trong không khí đón chào năm mới 2018, trong giai đoạn cả nước háo hức dốc hết sức mình cho phát triển du lịch để đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020. Ba Tri cũng là địa phương hội tụ đủ yêu cầu để góp phần trong việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính Trị. Hy vọng năm 2018 (Mậu Tuất) sẽ là năm khởi sắc của Ba Tri trong phát triển du lịch sau một năm bươn chải tìm tòi (Đinh Dậu) để tìm biện pháp mới, tư duy mới, chọn đúng hướng đi cho huyện nhà./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét