Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Khéo tay biến tấu từ các vật liệu dừa

Bến Tre vùng đất được 4 con sông hiền hòa bao bọc (sông Ba Lai, sông Tiền, Cổ Chiên, Hàm Luông), vì vậy mà được bồi tụ nhiều phù sa màu mỡ vun bồi và thích hợp cho các loại cây trồng, trong đó có “cây dừa” đã có mặt và phát triển với sự hình thành của 3 dãy đất cù lao. Hiện nay dù đi bất cứ nơi đâu trên đất nước, thì tên gọi mộc mạc “xứ dừa” đã gần như trở thành thương hiệu dành cho cả đất và người Bến Tre.

Hình ảnh cây dừa, sự thủy chung của nó cũng như sự bám đất, bám rễ được ví như sức bền bỉ, dẻo dai của chính người dân xứ dừa. Sự tồn tại và luôn có mặt của nó ở bất kỳ nơi nào trên vùng đất trên đất cù lao này không đơn thuần chỉ lấy nước để uống, hay dùng cơm dừa để chế biến trong thực phẩm, trong công nghiệp..., mà hình như toàn bộ những gì dính dáng trên cây dừa từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, chà, cọng, kể cả nan dừa..., khi qua đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân và người xứ dừa đều được biến tấu, chế biến ra nhiều loại sản phẩm độc đáo phục vụ đời sống con người hàng ngày. Đó là những món hàng thủ công mỹ nghệ mang tính thẩm mỹ cao, rất được ưa chuộng, nhất là du khách nước ngoài. Hiện nay mặt hàng đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới, mang lại lợi ích ngày càng đáng kể cho người lao động như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần làm giàu cho quê hương.
Nghề làm thủ công mỹ nghệ xuất hiện ở Bến Tre cũng khá lâu, ban đầu chỉ làm để trang trí trong nhà hay để tặng người thân, bạn bè ở các vùng nông thôn. Lâu dần, nghề này mới phát triển và nhân rộng ra thành một nghề chính thức. Đối với nghề này cần phải có sự kiên nhẫn, mày mò, sáng tạo trong cách làm từ đó mới nâng cao tay nghề.  Ngày nay phần lớn các khâu làm nên sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa cũng dần dần được thay thế bằng máy móc, nhưng có những khâu đòi hỏi người thợ phải làm bằng tay, máy móc không thể thay thế được.

Với tên gọi hàng thủ công mỹ nghệ, nên các mẫu hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa rất tinh xảo, các vật dụng trong gia đình đến hàng làm trang trí với độ bền và sắc nét cao. Màu sắc cũng được chú trọng trong từng sản phẩm như màu: đen, trắng, vàng nâu...

Nguyên liệu từ cọng dừa theo cách dân gian thì được làm chổi nhưng ngày nay lại được đan thành các giỏ đựng quà hay các lẵng hoa rất đẹp mắt hay làm đèn treo bằng cọng chà dừa. Những trái dừa điếc hay lép lại được tận dụng làm nên bộ thú 12 con giáp ngộ nghĩnh.

Năm 2012, đặc biệt là từ ngày 18 giờ 04/4/2012 đến hết ngày 10/4/2012, tại xứ dừa sẽ diễn ra “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012”, đây sẽ là điểm hội tụ, là cơ hội cho nhiều tay nghề và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc biệt là từ dừa có dịp trưng bày, giới thiệu đa chủng loại mặt hàng của mình đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Song song đó, còn tạo sân chơi nghệ thuật thông qua việc tổ chức các cuộc thi cho các tay thợ lành nghề có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm phát huy nghề truyền thống của Bến Tre vốn đã có lừ lâu đời.

“Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” sẽ tạo nên điểm nhấn mới, để nâng cao giá trị cây dừa qua việc tổ chức các chương trình, nội dung đều có liên quan đến cây dừa. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh của cây dừa và những công dụng độc đáo của nó từ trong chế biến thực phẩm, trong công nghiệp, trong thơ ca – nhạc – họa.... Riêng đối với ngành nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, trong dịp này cũng sẽ diễn ra “Hội thi sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa” thu hút rất đông các đơn vị trong ngành trong và ngoài tỉnh tham gia. Các sản phẩm sẽ được chọn trưng bày trong suốt thời gian diễn ra Festival Dừa.

Xứ dừa Bến Tre hy vọng sẽ được chào đón du khách đến đây nhân dịp diễn ra “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012”; du khách sẽ tận hưởng, khám phá, trải nghiệm với nhiều nét văn hóa đặc sắc lẫn tài hoa của người dân vùng đất xứ dừa vốn hiền hòa, chất phác, đôn hậu, mến khách đã tâm quyết thổi hồn vào các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, để tạo nên những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao không lẫn lộn với nơi nào./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét