Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam, Tiềm năng và Cơ hội Du lịch

Tỉnh Bến Tre hình thành từ ba dải cù lao; hiện có 9 đơn vị hành chính, 01 thành phố và 08 huyện gồm Thành phố Bến Tre, huyện Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Trong đó 2 huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam đang có tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bền vững, sẽ là nòng cốt cho việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Trước 2008, huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam được gọi chung là Mỏ Cày, đến ngày 9 tháng 2 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị Định số 08/NĐ-CP tách huyện Mỏ Cày thành hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Đồng thời tiếp nhận xã Hưng Khánh Trung A,  Phú Mỹ của huyện Chợ Lách sát nhập vào huyện Mỏ Cày Bắc. Mỏ Cày trước đây 

Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam là 02 huyện trung tâm của các tuyến liên tỉnh từ thành phố Bến Tre sang Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách và đi thành phố Vĩnh Long; từ thành phố Bến Tre qua Mỏ Cày Nam và đi trà Vinh thành phố Trà Vinh. Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam là trung tâm điểm của các tuyến nội tỉnh như thành phố Bến Tre đến Chợ Lách và huyện Thạnh Phú mà 4 địa phương đã liên kết phát triển du lịch vời chủ đề “Liên kết phát triển du lịch Cù Lao Minh”. Là huyện trung tâm điểm và cũng là nơi có sản phẩm đặc trưng của Dừa, nhất là Chợ Nổi Dừa và Làng nghề khai thác Dừa dọc sông Thơm.

Theo đường bộ từ Thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông đến trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 18km, nơi đây có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và đa dạng về loại hình, đang đưa vào mở rộng  và khai thác như: Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Y4 (xã Tân Phú Tây), Di tích Đình Tân Ngãi (tín ngưỡng dân gian và lịch sử cách mạng  xã Thạnh Ngãi), Du lịch sinh thái tham quan vườn dừa, Cơ sở Chế biến và Thu mua Dừa Vàm Nước Trong, làng nghề hoa kiểng ấp Phú Thuận, vườn bưởi Tám Phấn... thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu. Huyện Mỏ Cày Bắc đang xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch sinh thái tuyến liên kết cụm điểm trong huyện gồm Tân Thành Bình - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ và mở rộng thêm 02 xã Thanh Tân - Tân Phú Tây. Mục tiêu lộ trình từ nay đến năm 2020 xây dựng hình thành các tuyến trên địa bàn 3 xã với một số sản phẩm như khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân, điểm tham quan (vui chơi, mua sắm, ẩm thực,...), nơi trải nghiệm du lịch cộng đồng gắn với loại hình du lịch homestay.
Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Y4 (ảnh sưu tầm)
Từ thành phố Bến Tre theo tuyến quốc lộ 60 khoảng 20km đến huyện Mỏ Cày Nam có các điểm tham quan về nguồn như: Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi kết nối với Đình Rắn (xã Định Thủy), Di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Tuyên Linh (xã Minh Đức) - là nơi Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống, dạy học và bốc thuốc. Các điểm tham quan làng nghề truyền thống như: Làng nghề khai thác dừa xã An Thạnh, Cơ sở  dệt chiếu cói (xã Thành Thới B), Cơ sở kẹo dừa Tuyết Phụng, Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa (thị trấn Mỏ Cày Nam), ẩm thực miệt vườn… Các điểm du lịch này đang phát triển tốt theo hướng bền vững, các công ty lữ hành kết hợp, mở rộng để khai thác giá trị của các sản phẩm du lịch trên.
Di tích Đồng Khởi tại xã Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam
Ngoài đường bộ, du lịch tại 2 huyện còn có thể đi tàu từ sông Hàm Luông qua Vàm Nước Trong đến sông Thơm, tận hưởng không khí mát mẻ với những rặng dừa xanh ngát, tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây rất  gần gũi và thân thiện, luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi đặt chân đến mảnh đất này. 

Với lợi thế có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, miệt vườn trù phú, phát triển theo hướng bền vững gắn với du lịch cộng đồng, cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng được nâng cao, các tuyến đường quốc lộ đang được nâng cấp xây dựng, Cầu Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc) và Cầu Mỏ Cày (Huyện Mỏ Cày Nam) đang được xây mới khang trang, mở rộng hơn, thuận lợi cho các tuyến đường từ  Bến Tre đi Trà Vinh hoặc tuyến thành phố Bến Tre đi các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn được đầu tư trang thiết bị vật chất kĩ thuật hiện đại, chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao. Các điểm du lịch, khu du lịch đang được khai thác mang đặc thù riêng tiếp tục đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của hai huyện, xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn.

Hiện nay, du lịch homestay của hai huyện đang ngày một phát triển. Đây là sản phẩm du lịch giàu tính chân thật và cảm xúc, thu hút rất đông du khách trong việc tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt ở vùng sông nước miệt vườn ngày càng tăng, nhất là du khách quốc tế. Với cuộc sống ngày càng được nâng cao, con người càng muốn gần gũi với thiên nhiên, khám phá trải nghiệm những vùng đất mới còn nguyên sơ của quê hương sông nước Xứ Đừa. 

Tuy nhiên với những tài nguyên thiên nhiên đầy tiềm năng trong phát triển du lịch của huyện cần tập trung đẩy mạnh đầu tư đến những giá trị về truyền thống, mang đậm tính hào hùng của Đội quân tóc dài trong Cuộc Đồng Khởi năm xưa. Kết hợp với tài nguyên thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch mang tính đặc thù, thỏa mãn nhu cầu du lịch ngày càng cao của con người, khai thác theo hướng có lợi để kêu gọi hợp tác đầu tư.

Những năm gần đây du lịch làm đẹp và du lịch nghĩ dưỡng đang là thị hiếu của nhiều du khách quốc tế. Vì vậy cần đẩy mạnh tập trung phát huy các chuỗi giá trị của cây dừa, từ đó phát triển loại hình du lịch làm đẹp và nghĩ dưỡng, mang tính cộng đồng để có nhiều sản phẩm du lịch mới không trùng lắp với huyện khác trong tỉnh hoặc với các tỉnh trong vùng.

Với những  giá trị hiện có của huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam đang là tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư cho du lịch./.
Bảo Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét