Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Thực trạng của du lịch biển Bến Tre - Giải pháp gì để phát triển

Hiện Bến Tre có 65km bờ biển thuộc ba huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú). So sánh biển Bến Tre với biển nơi khác thì không đẹp, nước không trong bởi ảnh hưởng của phù sa từ những dòng hạ lưu sông MêKông đổ ra, nhưng với nét đặc thù ấy của biển và nét nguyên sơ của thiên nhiên ban tặng cho Bến Tre. Đó là lợi thế và là cơ hội cho các nhà đầu tư nghiên cứu phát triển du lịch đặc trưng của Bến Tre; đồng thời góp phần phát triển du lịch biển của ĐBSCL và cả nước. 

Huyện Bình Đại:
Bình Đại có 27km bờ biển, thuộc các xã biển (Thừa Đức và Thới Thuận) mà du khách không thể bỏ qua khi về với Bến Tre. Nơi đây, Cồn Bà Tư, Cồn Chày Mười giáp biển, là nơi trải nghiệm sinh thái đầy hấp dẫn tại vùng rừng ngập mặn như rừng đước, rừng bần, rừng phi lao, cộng với những vườn xoài, nhãn, những rẫy dưa hấu, những ruộng muối, vuông tôm,... đã làm phong phú cho cuộc hành trình trải nghiệm và nghỉ đêm lại ở những homestay để cùng người dân đi bắt nghêu, cua, ba khía, sò huyết,... đặc biệt là tham quan ngư dân nuôi hào và bắt hào trên sông, trên biển.
Đoàn những người làm du lịch khảo sát bờ đê Ốc viết chắn sóng biển để làm du lịch
Đến Cồn Chày Mười, một sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy sản vật được thiên nhiên ban tặng từ bấy lâu nay, đó là sản phẩm độc nhất vô nhị mà không trùng lắp bất cứ nơi nào; một bờ đê chắn sóng biển bằng những vỏ ốc viết được sóng biển đưa từ ngoài khơi vào hàng ngày đã hình thành nên một bờ đê cao 1,5m, dài 6.000 đến 7.000m. Đây là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển Bình Đại, chưa được khai thác. Vào bên trong cửa Đại là Cồn Tam Hiệp với nhiều loại cây trái sum suê, phù hợp cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay gắn du lịch biển.

Huyện Ba Tri:
Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa như Di tích cấp Quốc gia nhà giáo Võ Trường Toản; di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ; Di tích Cây Da Đôi và nhà ông Nguyễn Văn Cung; Di tích Quốc gia đặc biệt nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cùng nhiều di tích cấp tỉnh, nhiều danh nhân nổi tiếng như Đền thờ và khu mộ Cụ Phan Thanh Giản, là một danh sĩ, Đại thần của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam; Đền thờ cụ Tán Kế (Lê Quan Quang);.... Cùng với các làng nghề truyền thống như: Làng nghề Đan đát xã Phước Tuy; làng nghề nấu rượu xã Phú Lễ, làng nghề làm muối xã Bảo Thạnh; làng nghề làm khô xã An Thủy; làng nghề tôm, khô xã An Đức; làng nghề bánh phồng xã Phú Ngãi... kết hợp các lễ hội đình, làng và lễ hội nghinh Ông xã An Thủy. Bên cạnh đó tham quan trải nghiệm sân chim Vàm Hồ xã Tân Mỹ với trên 80 loài chim và bò sát được bảo tồn;... Tất cả đã cho thấy Ba Tri có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất địa linh nhân kiệt và đầy nhân văn.
Hạ tầng giao Bải biển Cồn Ngoài - Ba Tri
Hiện tại Cồn Ngoài, Cồn Tròn xã Bảo Thạnh, Cồn Hố xã Tân Thủy được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông tới biển và cũng thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm tắm biển, thưởng thức thủy hải sản nơi đây vào những ngày cuối tuần hay những ngày lễ, hội, ngày tết Nguyên đán,... Những sản phẩm du lịch hiện hữu tại Ba Tri cùng những tiềm năng du lịch biển tại Ba Tri sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch về với Ba Tri ở những loại hình đầu tư như: Cơ sở lưu trú từ 2 đến 3 sao; trạm dừng chân mua bán hàng nông, hải sản của địa phương, đặc biệt là những sản phẩm làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi. Đầu tư cơ sở ăn uống đạt chuẩn với sức chứa từ 600 khách trở lên; phối hợp Hợp tác xã Nghêu đầu tư khai thác du lịch biển với nhiều loại hình bắt nghêu, bắt sò, bắt cua, bắt tôm, gắn kết với cảng cá Tân Thủy để khai thác nguồn hải sản phục vụ du khách;... 

Huyện Thạnh Phú
Du lịch huyện Thạnh Phú từng bước thay đổi diện mạo của huyện biển; tốc độ khách du lịch tăng hàng năm đạt 23% so cùng kỳ và doanh thu từ khách du lịch tăng hàng năm đạt 45% so cùng kỳ. Cụ thể năm 2018 đón 405.900 lượt và doanh thu từ du lịch là 60 tỷ đồng.

Để hành trình từ sông ra biển, du khách đến Bến Tre, ghé tham quan sản phẩm du lịch tại 3 xã phía Nam thành phố Bến Tre; trải nghiệm vương quốc cây trái và hoa kiểng Chợ Lách - Mỏ Cày Bắc; về đến Mỏ Cày Nam tham quan di tích Quốc gia đặc biệt "Đồng Khởi Bến Tre", trải nghiệm chợ nổi Dừa và làng nghề khai thác dừa. Từ đây du khách đi thêm 30km nữa là đến trung tâm huyện Thạnh Phú.
Du khách trải nghiệm Biển Cồn Bửng nghuyên sơ tại xã Thạnh Hải - Thạnh Phú
Đến Thạnh Phú, du khách được trải nghiệm con đường làng với hai hàng cây sao, dầu ấn tượng kéo dài trên 2km dẫn vào xã Phú Khánh; đầu ngõ vào là bia lưu niệm nơi thành lập và cũng là nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 oai hùng một thời trong giai đoạn chống giặc ngoại xâm. Nơi đây di tích cấp quốc gia Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) với kiến trúc độc đáo theo lối điêu khắc của Cố đô Huế xưa.

Đến biển Thạnh Phong - Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú là Di tích cấp Quốc gia "Đầu cầu tiếp nhận Vũ Khí Bắc Nam" của đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre. Khu du lịch địa phương Thạnh Phong - Thạnh Hải được thành lập với diện tích 720 ha. Công trình Tôn tạo và phát huy giá trị di tích tích văn hóa lịch sử "Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre" cũng được triển khai thi công trong quần thể khu du lịch tại Cồn Bửng, kết hợp Lăng Ông Nam Hải và đền thờ Bà Chúa Xứ là những sản phẩm du lịch tâm linh góp phần cho du lịch biển Bến Tre phát triển phong phú và bền vững. Đến đây du khách cùng người dân đi bắt ba khía, đặt lộp bắt cua, mò sò, chày cá,... tham quan vườn xoài, rẩy sắn, ao tôm,... Đặc biệt là trải nghiệm tắm biển phù sa với khung cảnh hoang sơ, bình dị tạo nhiều cảm giác ấn tượng sau chuyến hành trình từ sông ra biển.

Những giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch biển Bến Tre
1- Hiện tại nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, thăm dò, tuy nhiên những cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông, địa phương triển khai còn chậm. Cần sự ra quân và triển khai đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phải đầu tư đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến đầu tư những dự án lớn trong phát triển du lịch như điện gió, điện mặt trời, du lịch ra khơi, du lịch mạo hiểm rừng ngập mặn,...

2- Các cồn Chày Mười, cồn Bà Tư huyện Bình Đại; cồn Tròn, cồn Ngoài, cồn Hố huyện Ba Tri; cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn huyện Thạnh Phú có tiềm năng du lịch, đã có kế hoạch phát triển du lịch từ các huyện; tuy nhiên cần quy hoạch thành lập khu hoặc điểm du lịch theo qui định để thuận lợi trong đầu tư khai thác cũng như thu hút du khách dễ dàng không ảnh hưởng đến Luật biên giới biển. 

3- Nhà quản lý du lịch, nhà đầu tư du lịch và nhà làm du lịch cùng cộng đồng cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm hiện hữu như: Bờ đê ốc viết tại Cồn Chày Mười mười - Bình Đại; bảo tồn môi trường sinh thái của những rừng phòng hộ, đặc biệt là những rừng phi lao tại bải biển Thừa Đức - Bình Đại, tại cồn Ngoài - Ba Tri hay tại cồn Lợi, cồn Lớn - Thạnh Phú để phát triển du lịch. Đồng thời bảo tồn và nâng cấp những di sản văn hóa, những di tích lịch sử của địa phương; Đặc biệt là bảo tồn và nâng chất các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi để khai thác phục vụ du lịch.

4- Mời gọi đầu tư tuyến kết nối sản phẩm du lịch giữa Di tích "Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre" với Di tích Côn Đảo để khai thác du lịch đường biển (Cao tốc); đặc biệt là tạo tuyến đi gần nhất giữa đất liền đi Côn Đảo với thời gian ngắn nhất so với Vũng Tàu hay Sóc Trăng đi Côn Đảo. Đây là tuyến thuận lợi nhất và phong phú sản phẩm trong chuyến hành trình tham quan Côn Đảo sẽ khám phá và trải nghiệm sản phẩm du lịch Bến Tre.

5- Du lịch biển tại Bến Tre là loại hình khám phá và trải nghiệm biển phù sa vì vậy trong thời gian tới cần phải có cơ sở lưu trú từ một sao đến ba sao hoặc cơ sở lưu trú đạt chuẩn trên địa bàn 3 huyện biển để đáp ứng nhu cầu lưu trú du khách.

6- Môi trường du lịch là việc cần làm ngay trong tình hình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc nhận thức về giữ môi trường sạch trong phát triển du lịch bền vững như: Nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch; nguồn nhân lực phục vụ chuyên nghiệp; tình trạng chèo kéo, giảm giá; rác thảy xuống sông, xuống biển; ứng phó với biến đổi khí hậu; Du lịch tour 0 đồng; ... tất cả cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay mà các ngành, các cấp cần tuyên truyền sâu rộng để có nhận thức chung nhằm đưa du lịch Việt Nam sánh vai cùng các nước./.
Lê Luông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét