Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Tiềm năng và phát triển của du lịch tại Châu Thành - Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh châu thổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xứ sở của những cây dừa. Đó cũng là lý do nơi này được mệnh danh là "Xứ sở Dừa Việt Nam" mang đặc trưng của sông nước miệt vườn Nam Bộ được hợp thành bởi ba dải cù lao: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Là tỉnh có nhiều sông, rạch, Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển toàn diện về mặt nông nghiệp, công nghiệp nhưng công nghiệp không khói vẫn là bền vững.

Nói về du lịch, phải nhắc đến Châu Thành một huyện mang nhiều tiềm năng, đã và đang phát triển không ngừng. Châu Thành là cửa ngõ nằm ở phía Bắc tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 10km về hướng Nam, cách thành phố Mỹ Tho 7km về hướng Bắc. Nằm trên trục giao thông quan trọng cả đường bộ lẫn đường thủy, Châu Thành là điểm dừng chân lí tưởng cho các tuyến du lịch miền Tây hoặc các chương trình du lịch ngắn ngày. Đặc biệt là sau khi thông xe cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông, khoảng cách từ trung tâm huyện đến các thành phố lớn không xa, thuận lợi cho các chương trình du lịch kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trong cụm tiểu vùng phía Đông giữa Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Thuận lợi của huyện
Với lợi thế cảnh quan miệt vườn quanh năm xanh tốt, sông nước thiên nhiên hữu tình, cây trái ra hoa kết quả quanh năm với mùa nào trái ấy; cùng các cù lao trên sông ở Tân Thạch, Phú Túc, Tiên Thủy, Quới Sơn… Châu Thành có điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, mang đậm nét văn hóa của con người vùng đất Châu Thành - Bến Tre.

Hơn thế nữa, Châu Thành còn là nơi trồng dừa, loại cây trồng chủ lực, ngoài việc mang lại nguồn lợi to lớn cho kinh tế nó còn đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch. Các vườn dừa mẫu lớn là môi trường thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như tham quan vườn dừa, tát mương bắt cá,…hấp dẫn cả du khách nội địa lẫn khách quốc tế. Nền văn hóa của cư dân trong hệ sinh thái dừa còn là sản phẩm chính cho các loại hình du lịch chuyên đề về ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa, quà lưu niệm,… đã góp phần đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách trong du lịch mua sắm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cũng như tạo nên dấu ấn, nét đặc sắc riêng của du lịch Châu Thành là sông nước Miệt vườn.
Những nét đặc sản tiêu biểu của “xứ Dừa” Bến Tre (ảnh sưu tầm)
Các tuyến, điểm du lịch:
Với thế mạnh của tài nguyên du lịch tự nhiên, Châu Thành đã và đang khai thác các tuyến điểm du lịch nổi bật, thể hiện rõ nét đặc trưng của loại hình du lịch sông nước, phù hợp với mọi đối tượng du khách. Từ những năm 2000, một vài điểm dừng chân phục vụ du khách tự phát, đến nay đã có trên 40 điểm dừng chân đón khách và tham quan. Nổi bật nhất là Khu Du lịch Cồn Phụng, Cồn Quy, Forever Green Resort,… 
Điểm du lịch Cồn Phụng (Điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL) (ảnh sưu tầm)
Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại các điểm du lịch ven sông Tiền nên thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường sông lẫn đường bộ với các phương tiện như xuồng máy, đò chèo, xe ngựa, tảng bộ đường làng. Các tuyến du lịch nội huyện kết hợp giữa các điểm du lịch sông nước và du lịch văn hóa dọc theo các xã ven sông Tiền: Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long và Tiên Thuỷ.

Các tuyến du lịch liên huyện chủ đạo như: Châu Thành - thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri - Bình Đại, Châu Thành - Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạnh Phú... (Gồm 5 tuyết chính).

Các tuyến du lịch đường sông như: tuyến cồn Tứ Linh: Long - Lân - Quy - Phụng, địa điểm chính là khu vực Châu Thành, trên sông Hàm Luông, sông Ba Lai; tuyến đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre - Vĩnh Long - An Giang, nếu khai thác tốt tuyến này thì có thể kéo dài tới Phnôm Pênh, Siêm Riệp, Pắc Sế, Viêng Chăn, Luang Prabang...

Nhìn chung, các tuyến du lịch khá đa dạng, đáp ứng các nhu cầu tham quan, giải trí, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức đặc sản địa phương, mua sắm hàng lưu niệm của du khách. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, tham quan miệt vườn sông nước ven sông Tiền vẫn giữ vai trò quan trọng trên các tuyến du lịch, bởi Châu Thành là nơi xuất phát điểm cho Du lịch Bến Tre.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng cần có chiến lược phát triển du lịch bền vững cho huyện cửa ngõ của tỉnh.

Châu Thành là huyện có tiềm năng phát triển mạnh ngành du lịch. Do đó, việc định hướng khai thác tài nguyên, hoàn chỉnh kế hoạch phát triển du lịch của địa phương là vấn đề cấp bách, đồng thời định hướng thị trường sản phẩm với mục tiêu xác định thị trường khách du lịch đến với Châu Thành, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của từng nguồn khách. Là vùng đất đầy tiềm năng du lịch, tài nguyên phong phú, sản phẩm đa dạng, nhiều loại hình du lịch được khai thác. Việc tăng cường công tác xúc tiến quảng bá là điều cần thiết nhất mà huyện cần quan tâm./.
Phương Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét