Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Phát triển du lịch Bến Tre gắn với các sự kiện văn hóa lễ hội

Bến Tre là một vùng đất mới có lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm tuổi, vẫn còn giữ được được nhiều nét nguyên sơ của vùng đất phương Nam, với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sông nước miệt vườn gắn với nhiều nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng , di tích văn hóa - lịch sử, du lịch Homestay và du lịch nghỉ dưỡng. Qua lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Bến Tre “Đồng Khởi” luôn để lại một kho tàng văn hóa mang nhiều giá trị nhân văn to lớn.

Văn hóa Bến Tre là sự giao thoa của văn hóa sông nước miệt vườn và văn hóa của các dân tộc: Kinh, Hoa, … theo dòng chảy lịch sử của văn hóa dân tộc. Bến Tre có nhiều di tích văn hóa- lịch sử, làng nghề sản xuất thủ công truyền thống nổi tiếng, các công trình kiến trúc độc đáo như: nhà cổ, đình, chùa, miếu thờ, …. Những công trình kiến trúc này không ngừng được trùng tu, bảo tồn nhưng vẫn không làm mất đi những giá trị văn hóa vốn có của nó. Hòa cùng với xu thế phát triển mới của du lịch, trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh nhà đang hướng đến việc gắn du lịch với môi trường sinh thái, du lịch có trách nhiệm với môi trường sống, văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng, …. Các hoạt động văn hóa nhằm thu hút một lượng lớn du khách; đây cũng là một sự thay đổi lớn trong nhận thức của du khách chủ yếu là du khách quốc tế.

Hằng năm, Bến Tre tổ chức nhiều sự kiện văn hóa- lễ hội lớn mang nhiều nét đặc sắc văn hóa riêng như: Lễ hội truyền thống cách mạng Đồng Khởi (17/01) nhân kỉ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi; lễ hội Dừa đã nâng tầm từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia (3 năm một lần vào thời đểm 30/4); Ngày hội cây trái ngon-an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre được tổ chức vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch); lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre (ngày 01 tháng 7 hàng năm) nhân kỉ niệm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; lễ hội Nghinh Ông của cư dân vùng biển ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, mà tiêu biểu là lễ hội Nghinh Ông ở xã Bình Thắng - huyện Bình Đại được tổ chức hàng năm vào ngày 15 - 16 tháng 6 âm lịch với quy mô lớn thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật thiêng liêng là “cá Voi”, đã giúp ngư dân những lúc “sóng to gió lớn”, cầu cho “mưa thuận gió hòa” và “mùa màng tươi tốt”. Đồng thời đây cũng là dịp để người dân và du khách vui chơi giải trí, tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, ….
Ngày hội cây trái ngon huyện Chợ Lách thu hút nhiều du khách 
Bến Tre với sự đa dạng các lễ hội văn hóa, mỗi sự kiện lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng. Trong đó, lễ hội Dừa mang nhiều sắc màu văn hóa cho quê hương Bến Tre “xứ dừa”. Trước đây, lễ hội Dừa được tổ chức thường niên với qui mô cấp tỉnh; từ sự thành công của Festival Dừa Bến Tre lần 3 năm 2012 với sự tham gia của nhiều tỉnh thành trong cả nước và một số nước có dừa trong khu vực như: Malaysia, Ấn Độ, Xrilanca, …. Hiện nay, lễ hội Dừa được tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần, dự kiến lễ hội dừa lần IV sẽ tổ chức vào tháng 4/2015, với nhiều chuỗi hoạt động phong phú mang nhiều nét độc đáo như: Hội chợ Thương mại- công nghiệp, ẩm thực xứ dừa, thi thời trang thời, triển lãm các sản phẩm về dừa, tái hiện không gian dừa, hội thảo chuyên đề về dừa, cuộc thi người đẹp xứ dừa, …. Nếu Bến Tre khai thác tốt những tiềm năng này thì sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn thu hút du khách. 

Bến Tre có một không gian sông nước hữu tình với những vườn trái cây trĩu quả, để lại cho đời những hương vị ngọt ngào của cuộc sống, một hệ thống các di tích văn hóa- lịch sử và nhiều công trình kiến trúc lịch sử được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đó là những sản phẩm du lịch về nguồn, nghiên cứu lịch sử hỗ trợ cho du lịch sinh thái cụ thể như: Đình Tân Thạch (Tân Thạch - Châu Thành), di tích Đồng Khởi (Định Thủy - Mỏ Cày Nam), di tích Nguyễn Đình Chiểu (An Đức - Ba Tri), di tích cây Da Đôi (Tân Xuân - Ba Tri), căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Tân Phú Tây - Mỏ Cày Bắc), … và làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng ở huyện Giồng Trôm, làng nghề cây giống và hoa kiểng Cái Mơn - huyện Chợ Lách, nghề sản xuất kẹo dừa, nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, nghề dệt chiếu, kết thảm, đan giỏ cọng dừa, … và nhiều hoạt động văn hóa khác.

Cũng chính từ sự cần thiết giữa phát triển du lịch gắn kết với các sự kiện văn hóa, lễ hội nhằm tạo nên bước đột phá mới trong chiến lược phát triển du lịch Bến Tre trong tương lai. Văn hóa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy du lịch phát triển. Du lịch phát triển là điều kiện hỗ trợ hình thành nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa bản địa, tạo nên một nét văn hóa Bến Tre “Xứ dừa” đa dạng và có nhiều điểm nhấn riêng.
Chương trình khai mạc Festival Dừa lần III Bến Tre 
Trong thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan cùng với công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch trong việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, hội chợ, hội thảo du lịch thì hình ảnh đất và người Bến Tre trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo đài, phim tư liệu, ảnh, ấn phẩm, phim du lịch, phóng sự,… sẽ tỏa sáng khắp nơi và những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn sẽ phong phú hơn, góp phần cho du lịch xứ dừa ngày càng khởi sắc, tạo bước đột phá mới cho sự phát triển du lịch hiện tại và tương lai cũng như sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới; Mong rằng các hãng lữ hành trong cả nước quan tâm nối tuyến, tạo tour để giới thiệu những lễ hội truyền thống của Bến Tre đến du khách trong và ngoài nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét