Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao cà Du lịch (VHTTDL) định hình gồm 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang,Vĩnh Long và Trà Vinh; có tổng diện tích khoảng 8.618 km2, được bao bọc bởi các nhánh sông (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu) thuộc hệ thống sông Cửu Long. Các tỉnh cụm phía Đông nầy cũng là cửa ngõ khi du khách từ các nơi trên cả nước về với miền Tây Nam bộ. Đây là bốn địa phương gắn liền nhau, cùng chung đồng bằng, giống nhau về sông nước miệt vườn nhưng có nhiều sản phẩm đặc thù khác nhau mà từ đó đã đem lại cho du khách một điểm đến đầy hấp dẩn.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, quá trình tụ cư, di cư của nhiều dân tộc trên vùng đất duyên hải phía Đông nầy đã tạo ra nền văn hóa đa dạng với nhiều nét đặc sắc. Hiện nay, dân số của bốn địa phương khoảng 5 triệu người gồm người Việt, người Khơme và người Hoa. Hơn 300 năm khẩn hoang, khai thác nguồn lợi tự nhiên và đấu tranh xây dựng xã hội đã tạo nên một cộng đồng dân cư có tinh thần đoàn kết, cởi mở, cần cù, sáng tạo, hiếu khách và một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, với nhiều di sản vật thể và phi vật thể còn lưu giữ lại cho đến hôm nay và cho mai sau, trong đó hòa quyện nhiều luồng văn hóa được du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây. Tuy nhiên, văn hóa bản địa, văn hóa Việt Nam vẫn nổi trội và rõ nét, tính đặc trưng sông nước miệt vườn vẫn làm nên nét riêng của cụm so với trong vùng và cả nước.
Bốn địa phương có cùng bản sắc văn hóa đồng bằng Nam bộ, cùng chia sẻ một lịch sử chung, có cùng cội nguồn, đời sống sinh hoạt cũng có nét tương đồng, có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch homestays, du lịch cộng đồng, có nguồn nhân lực dồi dào, giao thông chính là đường bộ và đường thủy, nằm dọc Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, Quốc lộ 57 và Quốc lộ 53, là điều kiện thuận tiện giao lưu, thuận lợi trong việc nối tour, tạo tuyến thành một điểm đến liên hoàn trong khu vực. Là cửa ngõ đường bộ miền Tây đón khách du lịch, từ đó đã định hướng phát triển du lịch ĐBSCL với nhiều sản phẩm đặc trưng nhằm đón khách du lịch, dự báo đến năm 2020 cụm sẽ đón 29% lượng khách nội địa và 56% lượng khách quốc tế của toàn vùng ĐBSCL.
Gian hàng chung tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội VITM lần 2 năm 2014 |
Sự liên kết giữa bốn địa phương một điểm đến sẽ tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế của từng tỉnh, học tập, trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển, tránh trùng lấp sản phẩm, không còn sự đánh giá của du khách khi đến ĐBSCL cho rằng “tỉnh nào như tỉnh nào, cũng là du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, đi xuồng, chèo ghe, nghe đờn ca tài tử,… Đến một tỉnh sẽ hiểu nhiều tỉnh”; mà để du khách chọn điểm đến là cụm phí Đông hay cụm phía Tây của ĐBSCL, hoặc trong cụm thì các tỉnh sẽ có khác nhau những sản phẩm gì?
Đến cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL, du khách muốn thưởng thức những món ăn đặc sản từ dừa, ăn bưởi da xanh thì đến Bến Tre; ăn bưởi năm roi thì ghé Vĩnh Long, không thể ghé Vĩnh Long mà ăn bưởi da xanh và đến Bến Tre mà ăn bưởi năm roi sẽ không ngon; muốn ăn dừa dứa, dừa xiêm thì đến Bến Tre, ăn dừa sáp thì qua Trà Vinh và tiềm hiểu đời sống sinh hoạt của dân tộc Khơme tại đây, muốn tham quan chợ nổi thì về Cái Bè (Tiền Giang),… Do vậy mà mỗi tỉnh sẽ có những sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương tạo thành một sản phẩm chung của cụm.
Điểm du lịch bên cầu Rạch Miễu |
Bên cạnh đó còn có những dịch vụ du lịch, những làng nghề truyền thống, những di tích lịch sử văn hóa, những mô hình tham quan du lịch của từng địa phương góp phần cho sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, tạo nên một điểm đến phù hợp với nhu cầu du lịch của một chuyến hành trình cho du khách. Đặc biệt là du lịch homestay đã bắt đầu phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21 (2004) tại Vĩnh Long và Bến Tre. Đến nay loại hình này rất hấp dẫn cho du khách, nhất là khách quốc tế khi đến cụm phía Đông ĐBSCL, họ sẽ được tìm hiểu về phong cách sống của người dân, tìm hiểu về văn hóa - lịch sử hoặc những truyền thuyết tại địa phương vùng đồng bằng Nam bộ.
Bước đầu thành lập cụm, vào tháng 9/2013, bốn Sở VHTTDL của bốn tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) đã ký bản thỏa thuận “Chương trình liên kết phát triển du lịch” đến năm 2020 và triển khai kế hoạch “Điều phối chương trình liên kết phát triển du lịch giai đoạn 2013-2014”; đồng thời bốn Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch cũng ký kết “Kế hoạch hợp tác công tác xúc tiến du lịch giữa các Trung tâm” nhằm triển khai chi tiết các nội dung liên kết mà các Sở VHTTDL đã ký kết.
Đầu năm 2014, TTXTDL Bến Tre (Cụm trưởng giai đoạn 2013-2014) đã triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp năm 2014 như: Tổ chức gian hàng chung “Bốn địa phương một điểm đến” tham gia Ngày hội du lịch TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch Quốc tế Hà Nội VITM, Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh ITE, in bản đồ chung bốn tỉnh, ấn phẩm quảng bá du lịch chung, phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp thông tin quảng bá trên các website của từng trung tâm, từng sở đã ký liên kết, đồng thời tổ chức cho các lữ hành du lịch khảo sát các điểm du lịch hiện có và tiềm năng trên địa bàn từng tỉnh nhằm giao lưu, phối hợp tạo sản phẩm du lịch mới cho cụm.
Với sự quyết tâm và tinh thần phối hợp liên kết phát triển du lịch của Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL đến năm 2020, du khách sẽ biết đến và chọn điểm đến khu vực này ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng cao với logic của việc phát triển bền vững, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của bốn địa phương và cả nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét